Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Cẩn thận với chiêu vẽ vời của thợ sửa môbai!
Ngoại trừ các máy chính hãng đã được các nhà sản xuất chăm sóc tại TT bảo hành, phần lớn điện thoại di động (ĐTDĐ) đều phải trông chờ vào các điểm sửa chữa nhỏ.
Trong khi đó tay nghề thợ ở đây khá “chập chờn”, lại thường xuyên vẽ vời để “móc túi” khách hàng với các chiêu thức đầy sáng tạo!
Bé xé ra to!
Có hai trường hợp hư hỏng thường gặp trên một số loại ĐTDĐ: màn hình không hiển thị và máy không báo rung dù đang ở chế độ rung. Và các cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ cỡ nhỏ dễ dàng kiếm tiền khi sửa chữa hai dạng hư hỏng trên.
Thông thường ĐTDĐ bị mất rung hoặc màn hình không hiển thị là do các mạch tiếp điện bị bẩn hoặc bị chấn động nên cách xa nhau; chỉ cần chùi sạch hoặc điều chỉnh ốc cho sát lại. Nhưng thợ sửa máy thường báo là đèn màn hình bị cháy hoặc thay thế mạch điện để kiếm vài trăm ngàn.
Trong khi đó đối với hư hỏng như trên thì các trung tâm bảo hành qui mô lớn chỉ điều chỉnh sơ sơ và thường không lấy tiền.
Hoặc một số máy gặp tình trạng không đọc được dữ liệu trên thẻ nhớ thường nghe thợ phán: “Thẻ hỏng rồi, cần thay mới hoặc phục hồi”. Thật sự họ chỉ chùi sạch khay chứa thẻ và điểm tiếp xúc với mạch điện là thẻ lại đọc bình thường. Một trường hợp lừa khách thường gặp là pin bị lỏng đối với loại máy gắn pin sau lưng (không nắp đậy). Nếu thợ có lương tâm chỉ cần chêm lại cục pin cho chắc, ngược lại nếu muốn gạt khách hàng họ sẽ báo pin bị hỏng, phải thay mới.
Một tình huống thường gặp đối với phần lớn các loại điện thoại kiểu vỏ sò (gập lại) là hư hỏng dây nguồn màn hình. Do thường xuyên đóng mở nắp nên dây nguồn loại máy này dễ bị hư hỏng. Người bán thường từ chối bảo hành cho trường hợp hỏng hóc này và ghi rõ trong phiếu bảo hành (do cửa hàng in ấn).
Một bộ dây nguồn cho màn hình chiếm hơn một nửa giá trị máy nên người mua bị thiệt thòi do không kiểm tra điều kiện ghi trong giấy bảo hành. Vì thế, theo lời khuyên của các trung tâm bảo hành ĐTDĐ, người mua nên thỏa thuận trước về điều kiện bảo hành màn hình. Nếu người bán đòi thêm 100.000đ - 200.000đ tiền bảo hành cũng nên đồng ý vì dây nguồn của loại điện thoại vỏ sò rất dễ bị đứt.
Khoản tiền bảo hành 100.000 - 200.000 đồng cho các loại điện thoại “ngoài luồng” chỉ ràng buộc đôi chút trách nhiệm giữa người bán và người mua. Mối quan hệ này khá mong manh và nhiều cửa hàng thường từ chối bảo hành, đồng thời mạnh miệng đổ lỗi cho người sử dụng.
Có thể nêu ra vài trường hợp điển hình từ chối bảo hành như điện thoại vô nước, bị rớt xuống đất, sạc pin không đúng cách... Một số trường hợp đặc biệt, khách hàng còn bị từ chối bảo hành do tự cài đặt thêm phần mềm (qua Internet, đĩa chương trình)!
Máy cũ mua đồ cũ
Theo lời khuyên của những chuyên gia về ĐTDĐ, đối với những mẫu điện thoại quá cũ như Nokia 3210, 6510, 8210... hoặc Siemens C35, Motorola StarTAC chớ vội mua phụ kiện mới để thay thế vì rất phí tiền. Bản thân những điện thoại này giá trị hiện chỉ còn vài trăm ngàn nên có thể mua hẳn các loại điện thoại cũ (bán nhiều ở cửa hàng) để tận dụng những bộ phận cần thiết.
Trung tâm bảo hành thuộc siêu thị ĐTDĐ Fone Mart đã tư vấn: “Việc mua phụ kiện mới 100% cho điện thoại đời cũ không phải dễ tìm do máy được sản xuất đã lâu. Khách hàng có thể mua lại một ĐTDĐ cùng kiểu và tháo bộ phận cần thiết để thay thế vào máy đang sử dụng”.
Mặt khác, cần chú ý việc cập nhật phần mềm đối với các loại điện thoại đời cũ. Trong điều kiện nhà sản xuất cho phép, có thể cài đặt phần mềm của máy đời sau cho máy đời trước (cùng series). Sau khi cài đặt phần mềm mới, máy sẽ có thêm một vài chương trình tiện ích như tự động khóa phím, tắt/mở đèn màn hình, tăng tốc độ xử lý...
Nhưng có một số trường hợp khi cài phần mềm mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của máy đời cũ. Đó là các căn bệnh “bất trị” như máy đột nhiên tắt, pin mau hết, máy bị treo chương trình...
Hiện tại một số siêu thị ĐTDĐ đã hình thành các trung tâm bảo hành chuyên nghiệp với thiết bị hiện đại như siêu thị Fone Mart, siêu thị Mobimart... Siêu thị Mobimart đã bắt tay với Tập đoàn ACCS của Singapore để tổ chức các trung tâm bảo hành cho nhiều nhãn hiệu ĐTDĐ.
Người tiêu dùng có thể đưa máy đến sửa chữa tại những địa chỉ này để được hỗ trợ tốt hơn. Các điểm bảo hành này đã được một số hãng ĐTDĐ công nhận nên chất lượng dịch vụ có phần đảm bảo.