Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Cẩn thận: Bạn đang bị theo dõi!
Điện thoại di động (ĐTDĐ) đang trở thành công cụ mới trong tay nhà quản lý để kiểm tra hoạt động của các nhân viên. Và tất yếu, nó đang dấy lên những mối lo về riêng tư cá nhân chốn công sở.
Tiên phong cho xu hướng này là Nextel Communications. Hãng cung cấp dịch vụ không dây này bắt đầu khai trương dịch vụ Mobile Locator từ tháng 11 năm ngoái, cho phép các vị "sếp" dễ dàng định vị vị trí những nhân viên dưới quyền có sử dụng ĐTDĐ trang bị tính năng GPS.
Nối gót Nextel, đầu tháng này, một hãng công nghệ khác có tên Xora cũng giới thiệu phiên bản mới nhất của phần mềm ĐTDĐ Nextel GPS. Một công nghệ có tên "hàng rào địa lý" sẽ rung chuông báo động trong phòng làm việc của giám đốc quản lý nếu nhân viên của họ di chuyển đến những địa điểm "nhạy cảm", được lập trình trước trong hệ thống, như quán bar và công viên vào giữa giờ làm việc chẳng hạn. Hiện tại, đã có hơn 1.600 khách hàng là tập đoàn đăng ký sử dụng dịch vụ giám sát từ xa này của Xora.
Càng ngày, thiết bị theo dõi nhân viên càng được ưa dùng trong các tập đoàn, nhờ vào sự phát triển mạnh của công nghệ GPS. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng ban hành một nghị định yêu cầu các hãng không dây phải tức tốc phát triển các phương thức xác định vị trí của nạn nhân yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ 911 qua đường ĐTDĐ.
Được quân đội Mỹ phát triển từ thập niên 1970, công nghệ GPS (hệ thống định vị toàn cầu) sử dụng tín hiệu từ các vệ tinh quỹ đạo thấp để khoanh vùng tam giác vị trí của thiết bị thu phát sóng. Trước đây, thiết bị và hệ thống GPS từng là một thứ đồ xa xỉ và đắt đỏ. Theo thời gian, giá thành đã giảm mạnh nhờ vào sự phát triển của các dịch vụ ĐTDĐ.
"Dõi theo" thị trường...
Việc hãng thiết kế chip GPS SiRF Technology, chuyên cung cấp công nghệ GPS cho Motorola, đạt lợi nhuận tăng trưởng từ 15 triệu USD năm 2001 lên 73,1 triệu USD hồi năm ngoái là một dấu hiệu điển hình cho thấy thị trường của những dịch vụ kiểu này đang "phình nở" mạnh mẽ.
Tương tự là trường hợp của Qualcomm. Hãng chip này cũng đang tận hưởng mùa làm ăn phát đạt với công nghệ GPS One khi ký hợp đồng với 15 nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới và khoảng 20 hãng chế tạo ĐTDĐ. Tính tới tháng Tư vừa qua, khoảng 120 model ĐTDĐ có mặt trên thị trường được trang bị hệ thống GPS của Qualcomm. Cùng với việc cung cấp chip, Qualcomm còn bán cả phần mềm máy chủ để nâng cao tốc độ cũng như tỷ lệ chính xác cho GPS.
Theo Xora, hàng trăm công ty, bao gồm cả hãng khổng lồ trong lĩnh vực vận tải US Food Service, đã ký hợp đồng mua công nghệ GPS TimeTrack để theo dõi và chấm công cho nhân viên, quản lý vị trí cũng như hoạt động của họ thông qua tín hiệu phát ra từ điện thoại Nextel. Đây là một chương trình Java cài trong ĐTDĐ, yêu cầu cung cấp thông tin về kinh độ và vĩ độ từ hệ thống GPS của điện thoại một cách định kỳ. Tại thời điểm này, mới chỉ có Nextel là hãng duy nhất sản xuất mẫu ĐTDĐ tương thích với phần mềm này, song hãng hy vọng GPS TimeTrack sẽ được các hãng điện thoại khác hỗ trợ trong thời gian sắp tới.
Bất chấp điều đó, sản phẩm của Xora vẫn "phất nhanh" như diều gặp gió. Chỉ riêng trong tháng Bảy, hãng đã ký được hợp đồng GPS TimeTrack thứ 1.000 của mình. "Đó là một đà tăng trưởng khó tin." - Ananth Rani, phó chủ tịch sản phẩm và dịch vụ của Xora cho biết - "Cứ mỗi tháng, chúng tôi lại có thêm khoảng 200 khách hàng mới".
"Mọi cử động của bạn đều lọt vào mắt sếp"?
Tuy nhiên, khả năng giám sát qua điện thoại cũng làm dấy lên những nỗi lo ngại về quyền tự do cá nhân. Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại hiểu rằng thiết bị này có thể giám sát nhất cử nhất động của họ nên tỏ thái độ phản đối chúng.
Mới đây nhất, tại Chicago, các tập đoàn chỉ có thể phát máy điện thoại GPS cho khoảng 500 nhân viên của mình sau khi đạt được thoả thuận nhượng bộ với công đoàn, bao gồm cho phép nhân viên tắt tính năng theo dõi vị trí trong giờ ăn và sau giờ làm việc. Trong những khoảng thời gian còn lại, giới quản lý chỉ được coi ĐTDĐ là một công cụ gia tăng năng suất lao động chứ không phải để "theo dõi" nhân viên.
Thậm chí các công nhân ủi tuyết trên đường cao tốc còn đình công, không tham gia chiến dịch dọn tuyết quan trọng đầu tiên trong mùa đông năm ngoái để phản đối khi các nhà thầu yêu cầu họ phải dùng điện thoại GPS để chịu sự giám sát.
Giới chuyên gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì khuyến cáo: Các nhà quản lý chỉ nên cân nhắc sử dụng công cụ này vào những mục đích kinh doanh hợp pháp chứ không phải để săm soi, chăm chăm tìm ra những "kẻ lang thang, tha thẩn" trong số nhân viên của mình.