Nhiều đại biểu tham gia hội thảo góp ý cho dự án Luật Công nghệ thông tin (CNTT) do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 27/6/2005 tại Hà Nội đã nhận định như vậy. Cũng theo ông Công, với lĩnh vực Chính phủ điện tử, nếu không quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan thì sẽ không thể thực hiện được. Chẳng hạn TP. Hồ Chí Minh hiện nay, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Bưu chính Viễn thông và Sở Khoa học Công nghệ đều muốn nắm giữ lĩnh vực CNTT. “Ở nhiều nước, Bộ trưởng chỉ là thành viên của Chính phủ, giống như một đội bóng, phải có tiền đạo, hậu vệ. Không nên mỗi Bộ nắm giữ một mảng rồi gây sức ép với các Bộ, ngành khác” – ông Công nói.
Lấy ví dụ về định nghĩa “trang tin điện tử - website là một tập hợp các tệp dữ liệu phục vụ việc cung cấp và trao đổi thông tin trên mạng Internet”, ông Nguyễn Chí Công, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ban Đề án 112 nhấn mạnh, đây là luật cho dân, vì dân, nếu dùng thuật ngữ “tệp dữ liệu” thì ít người hiểu được. Ông kiến nghị: “Luật CNTT không nên dùng những thuật ngữ khó hiểu vì trước đó, đối với Luật Giao dịch điện tử, ngay cả đại biểu Quốc hội cũng đã ít người dám góp ý”.
Còn ông Lê Hồng Hà, Tổng Thư ký Hội Tin học Viễn thông Hà Nội khuyến cáo: “Cần tránh trường hợp làm luật nhưng không khả thi khiến dân không chấp hành. Dân coi thường được luật một lần, lâu dần sẽ có thói quen nhờn luật”. Thực tế đời sống đã có tiền lệ: sau khi ban hành Luật giao dịch nhà đất, số lượng giao dịch ngầm vẫn nhiều hơn giao dịch chính thức. Lý do chỉ đơn giản – dân ngại làm thủ tục hành chính. Minh chứng khác, quy định của Bộ Văn hoá Thông tin buộc đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phải xin giấy phép hoặc đăng ký thiết lập website. Thế nhưng số lượng đơn vị, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành quy định này không nhiều. Bộ Văn hoá Thông tin cũng chẳng thể làm được gì ngoại trừ vài lần xử phạt để cảnh báo, thị uy.
Về quy định Trang tin điện tử bán hàng (điều 39), yêu cầu phải “thông tin chi tiết về giá, thuế và chi phí vận chuyển hàng hoá”, một giảng viên của trường Đại học Ngoại thương nhận xét: “một trong những phương thức cạnh tranh của các doanh nghiệp chính là cạnh tranh về giá. Nay bắt các doanh nghiệp phải công bố chính xác giá bán của mình thì không khả thi”. Cần lưu ý trước đây, đã có dư luận cho rằng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT thì các tổ chức, cá nhân cần được tự do thiết lập trang tin điện tử, không cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song Ban soạn thảo dự án Luật CNTT lập luận: “Quy định đăng ký việc thiết lập trang tin điện tử để quản lý hoạt động trang tin điện tử không gây khó khăn cho việc ứng dụng CNTT của tổ chức, cá nhân”.
Đề cập tiếp tới những vấn đề cần sửa đổi trong dự án luật CNTT, bà Ngô Minh Thảo đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cần cẩn thận hơn khi dùng cụm từ “ưu đãi cao nhất”. Vẫn biết CNTT là lĩnh vực mũi nhọn trong việc thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng không vì thế mà yêu cầu các Ngân hàng phải cho các doanh nghiệp được “hưởng chế độ ưu đãi cao nhất về tín dụng, sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Nên chăng cần có nguồn lực tài chính từ Chính phủ giao cho một ngân hàng cụ thể thực hiện việc này.
Đây không phải hội thảo đầu tiên bàn về dự án Luật CNTT song vẫn thấy có rất nhiều bất cập. Ban Soạn thảo dự án Luật này sẽ phải rất vất vả để có được một dự án Luật tương đối hoàn thiện bởi Việt Nam chưa có khuôn mẫu làm luật. Các luật thường được hình thành dựa trên những kiến nghị từ các ban, ngành, địa phương, sau đó các nhà làm luật tự mày mò, đúc kết từ kinh nghiệm trong nước và quốc tế, từ các cơ sở khoa học và chứng lý cụ thể. Theo đúng kế hoạch, ngày 30/6/2005, dự án Luật CNTT sẽ được trình tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ.