Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Các tập đoàn CNTT tranh giành kỹ sư giỏi
Các doanh nghiệp sẽ chẳng cần thêm người viết mã, song họ sẽ cần tới những kỹ sư giỏi để có thể nhanh chóng biến các yêu cầu đưa ra thành những ứng dụng hiệu quả.
Kết luận trên đã được phó chủ tịch Matt Hotle và giám đốc nghiên cứu Dale Vecchio của hãng phân tích danh tiếng Gartner đưa ra trong bài thuyết trình về tương lai của lĩnh vực phát triển ứng dụng tập đoàn nhân dịp Triển lãm/Hội nghị chuyên đề Công nghệ thông tin (CNTT) Gartner. Theo họ, các kỹ sư sẽ phải vượt qua những thách thức thực sự của công việc phát triển phần mềm doanh nghiệp - tạo ra các ứng dụng hiệu quả dựa trên "những triển vọng khoa trương quá lời và nhận thức chưa đúng" về nguồn lực nội bộ do chính doanh nghiệp cung cấp.
Vào thời điểm hiện tại, kỹ năng mã hoá thuần tuý đang được coi như một mặt hàng. Khi bạn mua bất cứ mặt hàng nào, bạn cũng tìm xem cái nào, ở đâu rẻ nhất. "Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ mua những chương trình cơ bản từ Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Lan hoặc Nga." - Hotle nói - "Song chúng ta sẽ cần tới những nhà phân tích và thiết kế trình độ cao, những người biết cách "chiết xuất" ra yêu cầu thực sự của doanh nghiệp từ trong suy nghĩ thầm kín của họ, biến những kiến thức và ý tưởng trở thành sản phầm phần mềm".
Chính vì vậy, tìm kiếm và giữ chân được những kỹ sư phần mềm, chuyên gia kinh doanh và nhà thiết kế ứng dụng sẽ trở thành thách thức lớn nhất mà các bộ phận CNTT trong tập đoàn lớn phải đối mặt trong tương lai..
Hơn nữa, các tập đoàn sẽ phải liên tục tăng tốc chu kỳ phát triển hệ thống máy tính nếu muốn làm vui lòng các nhà quản lý cao cấp. Các cuộc điều tra thăm dò của Gartner đã cho thấy: Bắt đầu từ một năm trước, chu kỳ phát triển của nhiều tập đoàn đã rút xuống chỉ còn từ sáu-chín tháng, so với 15-19 tháng cách đây ba năm.
Song nhu cầu về năng suất không chỉ dừng lại ở đó, Giới quản lý còn trông chờ kỹ sư của họ phải tạo ra ứng dụng mới liên tục trong... một-hai tháng. Xa hơn, họ thậm chí còn kỳ vọng giới thiết kế và phát triển phần mềm chuyển ứng dụng từ ý tưởng đến cụ thể trong vòng vài tuần hay thậm chí là vài ngày. Doanh nghiệp muốn đủ nhanh để nhảy vào các thị trường mới một cách mau lẹ, nhưng chu kỳ phát triển ứng dụng lại quá dài và điều đó khiến họ thất vọng.
Giới kỹ sư đang cố gắng cân bằng các yếu tố: nhu cầu của thị trường, những yêu cầu thay đổi đến chóng mặt từ phía doanh nghiệp và yêu cầu phát triển phần mềm vừa nhanh vừa tốt.
Một trong những giải pháp giúp rút ngắn chu kỳ phát triển là tái sử dụng các mã và ứng dụng hiện tại. Trong vòng hai năm tới, J2EE (Java 2 phiên bản Doanh nghiệp) và SOAs (Cấu trúc Dịch vụ) sẽ tham gia và giúp sức đắc lực cho việc phát triển những ứng dụng hiệu quả, Hotle dự đoán. Tuy nhiên, giới quản lý CNTT không nên coi J2EE là một công nghệ đơn giản hoá quy trình phát triển phần mềm. Trên thực tế, nó là một công nghệ rất phức tạp, yêu cầu kiến thức của những nhà phát triển trình độ cao.
Gia công thô (nhờ bên ngoài gia công - outsourcing) cũng không hẳn là liều thuốc chữa bách bệnh như trong suy nghĩ của những nhà quản lý doanh nghiệp, tuy sự chênh lệch về tiền lương giữa dân lập trình tại châu Á với Bắc Mỹ lên tới 1:7. Trong xu hướng này tiềm ẩn cả vận hội lẫn hiểm hoạ: vận hội là bởi nó mang lại cho các doanh nghiệp những khoản tiết kiệm khổng lồ, song hiểm hoạ là vì gia công thô không dễ quản lý như vẻ ngoài.