Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Các mạng di động Việt Nam thua ngay trên sân nhà
Giống như hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khách hàng của các mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) VN có mặt tại cửa khẩu Móng Cái, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội) xót xa nhìn 2 chiếc máy điện thoại hòa mạng VinaPhone và Viettel của mình giờ đây chỉ còn là “cục gạch”.
Trên đất VN phải dùng nhờ mạng Trung Quốc
Trong khi đó, một khách du lịch khác cùng đi trên tàu cao tốc với anh Hùng đang nói chuyện bằng ĐTDĐ sử dụng mạng MobiFone đã roaming (hòa mạng) quốc tế và dùng sóng ĐTDD của Trung Quốc. Có điều, để kết nối cuộc gọi này, người sử dụng mạng ĐTDĐ trong nước phải trả cho mạng ĐTDĐ Trung Quốc trên 1 USD/phút. Điều trớ trêu là người tiêu dùng VN lại phải trả số tiền không nhỏ cho nhà cung cấp nước ngoài khi đang liên lạc ngay trên lãnh thổ VN.
Không chỉ ở Móng Cái mà ngay tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - một đầu mối thương mại lớn khác của biên giới phía Bắc, các khách hàng của mạng ĐTDĐ trong nước cũng phải ngậm ngùi chịu cảnh mất liên lạc thông tin, trong khi ĐTDĐ Trung Quốc lại luôn véo von.
“Thật là bực mình khi ngồi trên đất VN, nhìn sóng ĐTDĐ nước bạn mạnh tới 5 vạch và đọc dòng tin nhắn “Chúc mừng bạn đã đến Trung Quốc và sử dụng mạng China Unicom...” - chủ một doanh nghiệp ở Lạng Sơn bức xúc.
Tương tự, tình trạng nói trên cũng đã diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Nam, nơi có các cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia.
Cước ĐTDĐ VN quá chênh lệch so với láng giềng
Mặc dù nền kinh tế chưa phát triển và dân số ít hơn VN (khoảng hơn 13 triệu người) rất nhiều nhưng Campuchia có tới cả chục mạng ĐTDĐ. Kết quả là diện phủ sóng không chỉ rộng, mạnh mà giá cước gọi chỉ bằng từ 20% đến 40% so với giá của các mạng điện thoại VN hiện nay.
Điều này giải thích vì sao các trạm điện thoại công cộng ở thủ đô Phnom Penh do người dân tự dựng lên đều dùng ĐTDĐ với giá cước dịch vụ tùy theo mạng nhưng dao động trong khoảng 5 - 7,5 cent/phút (tương tương 800 đến 1.200 đồng/phút). Còn nếu như bỏ tiền ra mua thẻ để nạp vào ĐTDĐ (tùy theo mạng ĐTDĐ) ở Campuchia, giá gọi chỉ từ 2-3 cent/phút (khoảng 300-500 đồng/phút).
Nếu như ở VN chỉ có mỗi mạng ĐTDĐ Viettel áp dụng cách tính cước theo block 6 giây thì chuyện này đã diễn ra ở Trung Quốc từ cách đây hơn 5 năm. Các mạng ĐTDĐ Trung Quốc còn cho áp dụng hình thức miễn phí khi những người gọi cho nhau ở trong cùng một group (như trong cùng một nhà, một cơ quan sử dụng chung một mạng ĐTDĐ). Cách này ở VN chỉ mới có ở mạng S-Fone, nhưng cũng chỉ áp dụng cho một thuê bao duy nhất.
Không chỉ vùng phủ sóng rộng, chất lượng dịch vụ tốt, giá rẻ... mà các mạng ĐTDĐ của Trung Quốc và Campuchia từ lâu đã miễn phí nhắn tin và không ấn định khoảng thời gian sử dụng sau mỗi lần nạp tiền. Trong khi đó, từ hàng chục năm nay mấy “ông” ĐTDĐ VN vẫn giữ nguyên giá 500 đồng cho mỗi tin nhắn gửi đi và khi nạp tiền mà không sử dụng trong khoảng thời gian cho phép cũng bị “ông” “khóa máy” ngay lập tức.
Thừa nhận của nhà quản lý: Chất lượng phủ sóng kém, giá cao
Trao đổi với lãnh đạo của 3 mạng ĐTDĐ có số thuê bao lớn nhất hiện nay là Tổng Giám đốc MobiFone - ông Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc VinaPhone – ông Phạm Quang Hảo và Giám đốc Trung tâm Thông tin di động của Viettel - ông Tống Viết Trung về sự “thủng lưới” ngay trên sân nhà, câu trả lời chung vẫn là: “Hiện tại, đúng là ở vùng biên giới hẻo lánh, chất lượng phủ sóng còn kém và chúng tôi vẫn đang khắc phục”.
Về việc giá cước ĐTDĐ trong nước chênh lệch lớn so với quốc tế và ngay cả các nước láng giềng, các vị này giải thích là để giảm giá phải có lộ trình và việc này còn phải làm lâu dài. Có điều, cả 3 nhà cung cấp này đều cho rằng việc giảm giá là quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Bưu chính Viễn thông).