Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Ca tư vấn phẫu thuật trực tuyến đã thành công
Sáng nay (5/5), hệ thống tư vấn phẫu thuật trực tuyến (Telemedicine) đã chính thức được khai trương; đồng thời diễn ra cuộc phẫu thuật qua cầu truyền hình tại hai bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng).
Đến trưa, dưới sự tư vấn trực tuyến của các giáo sư, bác sỹ của bệnh viện trung ương tại Hà Nội, hai bệnh viện đã thực hiện thành công cuộc mổ nội soi sỏi túi mật cho nữ bệnh nhân 57 tuổi, người Hải Phòng.
Hệ thống tư vấn thuộc một phần dự án Bệnh viện vệ tinh, được phối hợp tổ chức bởi Bộ Y tế và Bộ Bưu chính Viễn thông (đơn vị trực tiếp thực hiện là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT).
Tại lễ khai trương, ông Trần Bình Giang - phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức, cho biết: 'Theo thống kê, hàng năm. bệnh viện Việt Đức có khoảng 1.000 trường hợp bênh nhân bị tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện. Trong số đó, có không ít trường hợp nếu được xử lý ban đầu tốt, chúng tôi có thể cứu sống được những bệnh nhân này. Vì vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải cung cấp những kinh nghiệm, kiến thức của các giáo sư đầu ngành để tư vấn, giảng dạy cho y bác sỹ ở các bệnh viện địa phương, vì ở đây, đa phần các bệnh viện này còn yếu, thiếu về trang thiết bị, cũng như trình độ chuyên môn.
Với mục đích đó, ngay khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt dự án Bệnh viện vệ tinh này, chúng tôi đã đặt luôn vấn đề xây dựng hệ thống tư vấn từ xa. Việc tư vấn trực tuyến này sẽ góp phần giảm tới 50% những trường hợp bệnh nhân không cần thiết phải chuyển lên tuyến trên và không chữa trị kịp thời; giảm từ 70-80% những trường hợp bệnh nhân điều trị sai bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới'.
Trên thực tế, hệ thống tư vấn phẫu thuật trực tuyến (Telemedicine) là một trong những biện pháp nhằm tăng cường, nâng cao năng lực ngoại khoa của các bệnh viện vệ tinh, đặc biệt trong cấp cứu chấn thương. Bước đầu, dự án đang được triển khai thử nghiệm tại sáu bệnh viện phía Bắc gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp-Hải Phòng, bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện đa khoa khu vực Sơn Tây, bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, và bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.
Trả lời câu hỏi về việc đảm bảo chất lượng đường truyền, ông Trần Mạnh Hùng - phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: 'Với tốc độ đường truyền là 2GB, chúng tôi bảo đảm chất lượng hình ảnh, âm thanh đã thỏa mãn được yêu cầu từ phía bệnh viện Việt Đức. Thậm chí, nếu bệnh viện Việt Đức yêu cầu mạng băng rộng hơn, chúng tôi cũng có thể đáp ứng được! Về độ an toàn mạng lưới, chúng tôi bảo đảm tới tận nút của các tỉnh. Vì đây là hệ thống đường trục của quốc gia nên chất lượng và độ an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về giải pháp kỹ thuật, chúng tôi sử dụng cơ chế vòng ring và tự bảo vệ. Khi một nhánh vòng ring bị đứt, trong vòng 50 miligiây, sẽ chuyển sang nhánh thứ hai. Âm thanh, hình ảnh sẽ không hề bị thay đổi'. Cũng theo ông Hùng, chắc chắn, thời gian tới, khi đã áp dụng chính thức mô hình tư vấn trực tuyến tại các bệnh viện, VNPT sẽ thực hiện giảm giá cước phí tới mức ưu đãi cho các đơn vị sử dụng dịch vụ! |
Bằng Telemedicine, việc chẩn đoán và điều trị với ý kiến của các chuyên gia đầu ngành giữa bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tỉnh, khu vực sẽ giảm chí phí cho vận chuyển và cơ hội được cấp cứu ngay từ những giờ đầu tiên sau tai nạn. Đối với bệnh viện địa phương, đây cũng là cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn tránh lãng phí về kinh tế bao gồm trang thiết bị va nhân lực. Đối với các bệnh viện tuyến trung ương, đây cũng là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm tải bệnh nhân.
Được biết, giải pháp kỹ thuật sử dụng cho hệ thống điều trị từ xa và các bệnh viện vệ tinh dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng mạng và truyền dẫn của VNPT. Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thiết kế, tích hợp các giải pháp kỹ thuật. Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN) đáp ứng các phương án truyền dẫn phục vụ hoạt động của hệ thống.
Hệ thống mạng và tích hợp các hệ thống thiết bị kỹ thuật này gồm có: hệ thống thiết bị truyền dẫn quang trực tiếp (telecast); hệ thống thiết bị cung cấp kết nối xDSL, WAN trên mạng NGN; hệ thống mạng LAN kết nối toàn bộ các thiết bị tại mỗi điểm; hệ thống thiết bị IP Camera cung cấp giải pháp hội nghị truyền hình và hệ thống thiết bị số hóa hình ảnh và lưu trữ toàn bộ ca mổ.
VNPT cũng sử dụng các phương thức truyền dẫn khác nhau, dựa trên hạ tầng mạng thế hệ sau NGN. Đó là phương thức truyền dẫn cáp quang để kết nối trực tiếp giữa thiết bị mổ nội soi hoặc camera quay trường mổ từ phòng mổ của các bệnh viện vệ tinh đến trung tâm tư vấn phẫu thuật đặt tại bệnh viện Việt Đức. Đối với phương thức truyền dấn sử dụng dịch vụ Mega WAN, các tín hiệu âm thanh và hình ảnh toàn cảnh phòng mổ được mã hóa dưới dạng các gói tin IP và được truyền trên hệ thống mạng NGN của VNPT.
Nhận xét về sự hợp tác giữa hai Bộ, ngành trong lĩnh vực này, cũng theo ông Giang, 'với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay, không một ngành khoa học nào có thể một mình đứng vững được! Với sự phối hợp giữa ngành BCVT - CNTT và ngành y tế, đây là một trong những điển hình mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và đang được hợp tác ngày càng tốt hơn. Chúng ta tiến hành mổ từ xa, kết hợp với công nghệ người máy để phẫu thuật...Đây là việc không thể không làm và sự phối hợp của VNPT trong việc xây dựng hệ thống tư vấn trực tuyến vừa qua đã được thực hiện rất tốt!'.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Telemedicine là công việc sử dụng CNTT-TT để trao đổi thông tin về việc chẩn đoán, điều trị cho những nơi có khoảng cách, vị trí địa lý cách xa so với bệnh viện trung tâm, góp phần đào tạo chuyên môn cho y, bác sỹ tại đây, nhằm đảo bảo sức khỏe cho cộng đồng. Hiện, Telemedicine đã được triển khai tại 60 quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin như vậy, y học có được những khả nǎng kỹ thuật mới: ta có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa (Teleradiology), tư vấn từ xa (Teleconsulting), hội chẩn từ xa (Telediagnostics, video-conferencing)...Những dịch vụ mở rộng trên nền tảng đó cũng xuất hiện: sự phối hợp theo vùng địa lý, sự phối hợp theo cùng chuyên khoa, sự chǎm sóc các bệnh nhân đặc biệt...Cần nhấn mạnh thêm, bên cạnh việc khắc phục hạn chế về không gian, các mạng máy tính diện rộng trong y học khắc phục cả hạn chế về thời gian và điều này đem lại rất nhiều lợi thế. Đó chính là nội dung và khuôn mặt y học từ xa trong giai đoạn hiện nay. Thực chất của y học từ xa hiện nay là ứng dụng công nghệ mạng. Bước một là tổ chức tốt các mạng máy tính trong từng bệnh viện, bước hai là tổ chức đường truyền để kết nối các mạng đó trong một hệ thống. |
- Hoàng Hùng (Thực hiện)