Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Buôn qua...mạng
Kỳ kèo giá cả từ chiếc ô, đĩa nhạc... đến tivi, máy tính, ôtô, xe máy... Chợ “ảo” bán gọn, mua nhanh, hàng hóa phong phú, và “dân buôn mạng” với sự năng động, am hiểu thị trường.
Những “phiên chợ IT” sôi động
“Muốn chứng kiến chợ trên mạng sôi động đến mức nào cứ vào các box như F_87, F_361...”, một dân buôn chuyên nghiệp nói thế. Nhưng nếu là người mới ghé chợ mạng, rất có thể tìm mỏi mắt trên Trái Tim Việt Nam Online (TTVNOL) cũng không thấy box nào như chỉ dẫn. Dò hỏi mới hay F_87, F_361... là đường dẫn tắt để lần đến box Máy tính - đồ điện tử - thiết bị văn phòng, box Điện thoại - điện thoại di động...
Thử click vào “tên giao dịch” của Vũ Trung Trực, thấy anh này trong vòng một tháng đã trao đổi bán mua hàng chục món hàng. Mua ô (dù), máy tính Pen 4, máy photocopy second-hand, thẻ cào điện thoại, USB 256 M, bán tivi Sony 21 inch 1,7 triệu, một miếng dán cho máy O2 mini (140.000 đồng), tính ra tổng số tiền đổi trao mua bán cũng lên tới chục triệu đồng. Bên dưới nickname là đủ cả địa chỉ email, nick chat, số điện thoại cơ quan, số cầm tay và cả số tài khoản Vietcombank. Một số nick còn trưng ra cả địa chỉ trường lớp, nhà cửa. Đấy là căn cứ để người mua kẻ bán yên tâm.
Chúng tôi nhập cuộc bán mua bằng cách chọn một cái tít thật kêu để rao hàng. Khi tung lên “Bán smartphone đẹp, mua cellphone đẹp hơn! Giá cả là chuyện nhỏ!” lúc 13g, 15 phút sau đã có tin nhắn từ một số máy lạ: “Nokia 6260 bán 4,2 triệu được không?”. Một tiếng sau, đảo lên mạng đã thấy 20 người đọc tin, 40 người khác đẩy chủ đề mới, chèn chủ đề của tôi tụt sang trang khác.
Để ý một chút sẽ thấy thường xuyên tại cùng thời điểm, một box chuyên về mua bán, rao vặt có gần 200 thành viên online, giờ cao điểm tới gần 1.000 người. Muốn mua gì mình có thể gửi tin offline ngay cho họ hoặc gửi cá nhân. Với dân buôn chuyên nghiệp, điện thoại di động của họ nghiễm nhiên trở thành “đường dây nóng”.
Mọi giao dịch chủ yếu thực hiện qua cái “môbai” nên tin nhắn của kẻ bán, người mua thường xuyên đổ về. Người buôn chủ yếu gọi nhau bằng nick, nhớ nhau qua avatar (hình ảnh đại diện) chứ nhiều khi không biết tên nhau là gì. Dân buôn quen mặt có ngày online 8 - 10 tiếng chỉ để “rình” người post lên hàng “mới, nóng”.
Nghề buôn kia cũng có ba bảy đường...
Nguyễn Xuân Thành, SV khoa công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã hai năm buôn mạng. Nhờ buôn ngược bán xuôi mà trình độ bán hàng, nhận biết giá trị từng chiếc máy tính của Thành đạt đến mức “thượng thừa”.
Thành bảo: “Tôi cũng đã bị lừa khá nhiều rồi. Lần đầu mua cái ổ cứng, mất trắng, vì đó là ổ dỏm, bị ép lại cơ, dùng một tuần đã tịt. Vì không có thỏa thuận trước, không kêu ai được”. Thành bảo trên trang mua bán, rao vặt của TTVNOL và hàng chục trang mua bán, rao vặt khác còn có chuyện lừa nhau chứ một số trang khá nổi tiếng khác như voz forums.com, trang Rao vặt của VNExpress... thì rất khó, vì việc quản lý thông tin ở đây tương đối chặt chẽ, không phải mình muốn post lên đó thông tin gì cũng được.
Cậu cho rằng không khó khăn để bán một món hàng trên mạng, dù món ấy có thể lỗi một chút. “Vì sao vậy?”, tôi hỏi. “Vì diễn đàn thường xuyên có người mới và không phải ai cũng có kinh nghiệm mua hàng. Mình rao một lần không được thì rao lần hai, chỉ với vài lần click chuột”. Một bộ máy tính Thành có thể lãi được 200.000 - 300.000 đồng.
Thành có thể giao hàng đến tất cả các mối ở Hà Nội. Có lần sang Hà Đông mua một ổ cứng, thấy rao trên mạng là 350.000 đồng. Nếu đúng như lời rao thì giá trị thật của nó là 450.000 đồng, bán có thể được hơn, Thành xác định. Vượt qua 30km đành về tay không vì khi xem hàng mới ngã ngửa, ổ cứng lỗi quá nhiều. Thành kết luận: “Nghề này không dễ xơi chút nào”.
Nguyễn Thu Hằng, lớp BA 403, ĐH Ngoại ngữ, cũng đã từng lên mạng rao bán đủ thứ nào băng đĩa, máy ảnh, điện thoại... Hằng bảo cô mua bán trên mạng theo kiểu “bạn cần, tôi có”, chất lượng hàng hóa yên tâm hơn mua ở cửa hàng cầm đồ và một điều chắc chắn là hàng rẻ hơn, có khi lại vớ phải “của độc”. Hằng từng lên mạng bán một chiếc Nokia 8250 được 700.000 đồng mà hiệu cầm đồ chỉ trả 400.000 đồng.
Hằng nói với giọng sành sỏi: “Khi bán hàng, nhiều người bán rao giá cực rẻ để gây chú ý. Khi có người hỏi mua sẽ nói hàng đó hết rồi, chỉ còn cái khác chất lượng tốt hơn nhưng giá cao hơn. Cái này gọi là “khan hiếm giả”. Thứ hai, họ rao giá cao hơn một chút, điều này hướng đến những người không biết trả giá, không quen mua hàng trên mạng”.
Có lần cô lên mạng “đấu giá” một chiếc điện thoại. Một người bạn xung phong làm “chân gỗ” lên mặc cả 1,8 triệu. Thế là ngay sau đó có người tưởng thật trả 1.850.000 đồng. Bán nhanh gọn, được giá. Hằng bảo: “Với những người thật sự cần mua họ sẽ gọi điện cho mình, mọi thứ đều diễn ra nhanh gọn. Điều cần nhất đối với người bán là rao đúng về món hàng của mình. Dù có bị xước hay khiếm khuyết gì cũng phải nói để giữ lòng tin và không bị bêu lên mạng. Cách rao cũng quan trọng, ví dụ như có lần tôi giật tít “Điện thoại vứt đi, có ai xem không!”, có hàng nghìn người tò mò nhấp chuột.
Hàng bán trên mạng ngày càng nhiều, khi mua gì cũng cần thỏa thuận trước. Nếu ở ngoài, càng mua ở chỗ quen càng yên tâm thì mua trên mạng lại khác, mua của người lạ sẽ dễ hơn, yên tâm hơn về giá cả vì người ta muốn bán ngay. Thực tế là sau những trận bóng đá lớn, lên mạng có khi mua được khối đồ hay ho!”.
Trở lại với câu chuyện của tôi khi rao hàng trên mạng. Chiếc điện thoại giá 6 triệu đồng, đã dùng hai tháng, được gần chục người trả giá sau một tuần, qua tin nhắn, điện thoại, số đông là sinh viên. Người cần mua cũng nhiều, người cần bán càng nhiều hơn. Đến lúc này tôi chỉ còn cách lên mạng ghi chú: “Đã bán và mua được “dế”!”, kèm theo đó là một biểu tượng mặt cười.