Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Bức tranh sáng của ngành CNTT Việt Nam
*Tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đạt 9,1% dân số, cao hơn tỷ lệ trung bình của châu Á (8,4%) *Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT hiện nay đã tăng lên gấp 9 lần so với năm 1999.
Ông Nguyễn Minh Hiến - Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Quốc tế Minh Việt - nhà sản xuất, phân phối các sản phẩm Fujifilm tại Việt Nam - cho biết Fujifilm đang đưa ra thị trường dịch vụ in ảnh qua Internet. Dịch vụ này giúp người tiêu dùng có thể ở nhà hoặc bất kỳ đâu vẫn có thể truyền các file ảnh đến cho các tiệm ảnh để rọi ảnh theo yêu cầu của mình.
Đề án này đã được Fujifilm chuẩn bị từ vài năm trước nhưng cho đến nay, khi giá máy tính hạ xuống, phù hợp với sức mua của người dân, đường truyền Internet tốc độ cao (ADSL) trở nên phổ thông, dịch vụ này mới có thể thực hiện. Đó là một trong rất nhiều ví dụ về sự phát triển ngoạn mục của CNTT Việt Nam, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, cho nền kinh tế.
Số lượng doanh nghiệp (DN) CNTT cả nước hiện nay đã tăng lên gấp 9 lần so với năm 1999. "Tại TP.HCM, trong 2 năm 2003, 2004 số DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT tăng lên gấp đôi (từ 64 lên 128 DN). Có khoảng gần 4.000 DN thành phố hoạt động về CNTT, tăng 75,6% so với năm 2002", ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết. |
Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết điều ông ấn tượng nhất là: "Thị trường CNTT Việt Nam năm 2004 đã đạt doanh số 685 triệu USD, tăng đến 33% so với năm 2003. Trong đó phần cứng tăng 32,9%, phần mềm dịch vụ tăng 33,3%. Kết quả này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chi tiêu CNTT toàn cầu chỉ tăng trưởng 5%/năm". Một kết quả được xem là rất ngoạn mục: số thuê bao Internet trong năm 2004 tăng gần 2,5 lần, số người dùng tăng 1,6 lần. Tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam lên 9,1%, cao hơn tỷ lệ trung bình của châu Á (8,4%). "Với sự bùng nổ Internet băng thông rộng và các dịch vụ đi kèm như hiện nay, chúng ta hy vọng sau 6 tháng nữa, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam sẽ đạt mức trung bình của thế giới (13,9%)" - ông Lê Trường Tùng nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty Tin học Tường Minh (TMA) - cho biết chỉ sau một năm, nhân sự của TMA đã tăng lên gấp đôi, đạt con số trên 500 kỹ sư phần mềm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh số của TMA tăng, thị trường mở rộng cũng như uy tín của TMA trong lĩnh vực gia công phần mềm thế giới đã được nâng lên. Ông Thân Trọng Phúc - Tổng giám đốc Intel Việt Nam - nhận xét: "Nếu Việt Nam không có một thị trường hấp dẫn thì sẽ không có lý do để các công ty đa quốc gia đầu tư vào".
Hàng loạt chủ trương đầu tư CNTT trong quản lý nhà nước; giảm giá và phá bỏ dần độc quyền về bưu chính viễn thông; xây dựng chiến lược phát triển CNTT giai đoạn 2006-2010, soạn thảo Luật Giao dịch điện tử... đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT của Chính phủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam thật sự vững chắc, nhiều nhược điểm đang rất cần nhanh chóng khắc phục như cước phí viễn thông còn cao hơn nhiều nước trong khu vực; chiến lược marketing ra thế giới chưa hiệu quả; thiếu và yếu về nhân lực, nguồn vốn...