Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Bộ trưởng Bộ BCVT: 'Cần thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT hơn nữa'
Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam Đỗ Trung Tá đã biểu lộ sự quan ngại về tốc độ phát triển chậm của các ngành công nghiệp dịch vụ viễn thông của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn tin tưởng rằng mức tăng trưởng này sẽ nhanh chóng phục hồi nhờ vào những thay đổi chính yếu của Bộ Bưu chính Viễn thông.
Bộ trưởng cũng lưu ý rằng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam nhất thiết phải bắt kịp mức phát triển cao nhất của các nước Đông Nam Á nếu muốn đáp ứng được các yêu cầu của quá trình tích hợp với hệ thống truyền thông toàn cầu vào năm 2010.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho biết các ngành công nghiệp dịch vụ viễn thông chỉ tăng trưởng 7% trong năm 2003, trong khi mức tăng trưởng GDP đạt được 7,3%. Ông cho rằng sự chậm trễ này có phần do sự suy giảm của các dịch vụ bưu chính và viễn thông - từ mức 18,76% trong năm 2002 xuống còn 9,14% trong năm 2003. Sự suy giảm này là kết quả của sự hoạt động kém hiệu quả của 12 loại hình dịch vụ viễn thông từ đầu tháng 4 năm 2003. Các thay đổi lớn do Bộ Bưu chính Viễn thông đưa ra là:
1. Sự chuyển đổi vai trò của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - từ một doanh nghiệp nhà nước được coi là 'độc quyền' sang một đơn vị chủ lực, với sự tham gia vào các dịch vụ viễn thông được mở rộng ra rất nhiều công ty trong ngành viễn thông, hoạt động dựa trên động lực cạnh tranh bình đẳng của thị trường.
2. Việc đưa đường truyền Internet vào trường học, đặc biệt là các trường đại học và trung học, với mức cước Internet giảm giá chỉ còn 40 VND/phút, đã tạo ra sự phổ cập tin học hoá sâu rộng - một điều kiện tiên quyết để đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất và đời sống hàng ngày. Việt Nam hiện đã có hơn 2,5 triệu người dùng Internet.
Theo kế hoạch của Bộ Bưu chính Viễn Thông, đến năm 2005, sẽ có 70% doanh nghiệp trong nước áp dụng CNTT vào sản xuất và quản lý kinh doanh, và tiếp tục tăng lên mức 90% hoặc 100% vào năm 2010. Thương mại điện tử sẽ được đẩy mạnh để thay thế các phương thức giao dịch thương mại truyền thống như hiện tại.
Bộ trưởng cho biết một trong các ưu tiên chính là khởi tạo một hệ thống Chính phủ điện tử tại một số cơ quan hành chính trung ương và địa phương. Quá trình này sẽ giúp xây dựng một Chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả trong vòng 10 năm tới. Các dịch vụ hành chính công như đăng ký kinh doanh, công chứng, và quản lý hành chính, sẽ được tin học hoá tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến các tỉnh thành sẽ có website riêng với các dữ liệu và thông tin cập nhật liên tục. Quá trình này sẽ diễn ra đồng thời với việc hoàn thiện các cổng thông tin quốc gia có khả năng kết nối tất cả các website cơ quan nhà nước vào năm 2010.
CNTT cần được khai thác hiệu quả tại các trường đại học, trung học và phổ thông. Các trung tâm máy tính mạng cục bộ cần phải được thiết lập trong các trường đại học và trung học, để học sinh sinh viên được tiếp xúc với máy tính và được đào tạo trình độ CNTT đầy đủ. Mạng giáo dục EduNet sẽ được thiết lập trên toàn quốc, qua đó thúc đẩy hoạt động giáo dục đào tạo từ xa và phục vụ các vùng sâu vùng xa.
Kế hoạch của Bộ cũng sẽ bao gồm việc mở rộng hoạt động ứng dụng CNTT trong y tế, truyền thông, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Dữ liệu của bệnh nhân, thầy thuốc, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, các loại thuốc tây, đông y và các dịch vụ y tế sẽ được lưu trữ và nối mạng vào hệ thống tin học hoá quốc gia. Các đài phát thanh và truyền hình, cũng các cơ quan truyền thông khác, sẽ được cung cấp các máy móc truyền thông cao cấp, cũng như được trang bị để phục vụ khán thính giả trong và ngoài nước được tốt hơn. Các điểm truy cập Internet dự kiến sẽ được mở rộng ra tới 50% số điểm bưu cục trên toàn quốc trong năm 2005 và đạt 100% vào năm 2010. Theo Bộ trưởng, các thế hệ trẻ nông thôn, vốn sẽ được học về các lớp sử dụng máy tính ở trường, sẽ có thể sử dụng Internet để mở rộng sản xuất và kinh doanh, nhằm cải thiện đời sống và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.