Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Bell Labs - ngôi nhà khai sinh Unix
Bình dị, khiêm tốn nhưng xuất chúng, những con người ở phòng thí nghiệm Bell Labs (Mỹ) đã làm nên nhiều kỳ tích huyền thoại, mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp điện toán.
Nằm ở cực Nam Manhattan, thị trấn bình dị Murray Hill luôn mang vẻ tẻ nhạt và có phần thô kệch với quần thể những nhà máy và cao ốc lớn. Nhưng đây lại là nơi bắt nguồn cho những gì đáng khâm phục và hãnh diện nhất trong ngành công nghiệp hiện đại. Thị trấn này là ngôi nhà của phòng thí nghiệm Bell Labs, trung tâm nghiên cứu của hãng Lucent, trước đó thuộc về AT&T, hãng truyền thông lớn của Mỹ. Cũng tại đó, thiết bị bán dẫn đã được phát minh vào năm 1947, hiện thực hóa hệ thống máy tính điện tử và mở đường cho microchip.
Phòng thí nghiệm ấy không chỉ đóng góp vào những phát minh liên quan đến phần cứng máy tính hiện đại, mà có rất nhiều chương trình phần mềm đặc biệt đã được viết ra hoặc bắt nguồn từ đây. Hai ví dụ điển hình là C - ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất vào những năm 70, và hệ điều hành Unix, bắt đầu nở rộ từ năm 1971, hiện nay vẫn xuất hiện rộng rãi và có tầm ứng dụng lớn từ laptop cho đến hệ thống đặt vé máy bay.
Tiến sĩ Dennis Ritchie, bắt đầu làm việc ở đây từ năm 1967, là thành viên chủ chốt trong nhóm phát triển hai dự án trên. Ông và Ken Thompson được coi là cha đẻ của C và Unix. Tiến sĩ Thompson đã viết đoạn đầu của C, hay còn được biết đến như là ngôn ngữ B. Thompson cũng là người đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu Unix. Tiến sĩ Ritchie và các cộng sự khác, trong đó có Brian Kernighan, Rob Pike và Doug McIlroy (trưởng nhóm nghiên cứu) chủ yếu có vai trò phát triển và mở rộng hệ điều hành này.
Ở tuổi 62, Ritchie vẫn còn nguyên bầu nhiệt huyết với công việc và là người cuối cùng trụ lại phòng thí nghiệm này trong khi những người khác đã chuyển đến viện hàn lâm hay những hãng lớn. Ông hiện là trưởng nhóm nghiên cứu phần mềm hệ thống tại Bell Labs và tiếp tục quá trình nghiên cứu về ngôn ngữ và hệ điều hành. Tiến sỹ Ritchie vẫn luôn nhấn mạnh rằng ông chỉ là một thành viên trong nhóm phát triển. Ông khẳng định những cải tiến của mình khi phát triển C chỉ đơn giản đó là điều "tất nhiên và nên thực hiện" bởi bất cứ ai khác nếu ở trong trường hợp tương tự cũng sẽ hành động như thế. Nhưng Bjarne Stroustrup, người sau này mới gia nhập vào phòng thí nghiệm này và viết C++, phiên bản cải tiến của C, không tán thành với phát biểu khiêm tốn đó: “Nếu Dennis quyết định dành cả thập kỷ đó vào nghiên cứu những thuật toán phức tạp, Unix chắc chắn đã chết yểu”.
Tất cả những ai tham gia dự án đều nhắc đến sự ra đời của Unix và C cũng như môi trường làm việc tại phòng thí nghiệm Bell Labs như một câu chuyện nên thơ. Tiến sỹ Kernighan từng nói: “Sự tập hợp những cá nhân xuất chúng, sẵn sàng đối mặt và trả giá cho những gì họ muốn, và đa số đều hiểu rõ những gì mình cần phải làm. Tinh thần làm việc nơi ấy đã khiến không một ai muốn đặt vấn đề về việc phân chia sở hữu các phát minh”. Có lẽ cũng vì thế mà mãi về sau cái tên Unix mới ra đời, dù phần lớn chương trình đã được hoàn tất hơn một năm trước đó. Và phòng thí nghiệm Bell Labs mãi là nơi ghi dấu ấn những chặng đường khó quên của Unix.