Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Bất cập cơ chế nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ICT
Đó là vấn đề được đặt ra trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Hoàng Văn Phong, cùng với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đơn vị trực thuộc VNPT diễn ra ngày 29/4/2005 vừa qua.
Nội dung chính của buổi làm việc xoay quanh vấn đề tìm cơ chế hợp lý nhất cho các dự án nghiên cứu khoa học của Học viện BCVT để các dự án đó có thể phục vụ cho chính công tác sản xuất kinh doanh điều hành của VNPT.
Tại buổi làm việc, tiến sĩ Nguyễn Kim Lan - Phó Giám đốc Học viện đã nêu ra bức xúc: Hiện nay nguồn nhân lực của Học viện rất dồi dào cả về số lượng và nhất là chất lượng. Học viện có thể nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tiễn nhiều đề tài khoa học chất lượng cao, nhưng hầu như khi bắt tay vào nghiên cứu lại không thể nào hoàn thiện được một đề tài đến đích cuối cùng vì lý do kinh phí thực hiện đề tài lớn nhưng khi duyệt quyết toán lại rất khó. Nhiều khi, các nghiên cứu viên khi bắt tay vào thực hiện đề tài không chỉ cần nắm bắt tốt đề tài mình thực hiện mà còn cần cả thao tác thực hiện các thủ tục tài chính cho nghiên cứu của mình sao cho hợp lý nhất.
Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển phần mềm là hai lĩnh vực chưa có đơn giá, định mức của Nhà nước, nên việc giao kế hoạch và tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ chế tổ chức, kế hoạch, quản lý nghiên cứu khoa học, tài chính... Mặc dù gặp khó khăn như vậy song trong những năm qua, số lượng đề tài do các nghiên cứu viên của Học viện thực hiện rất đáng ghi nhận. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện đã giành những giải thương khoa học có uy tín như Giải VIFOTEC, giải Sao Vàng đất Việt, giải Sao khuê...
Thời gian tới, Học viện mong muốn được doanh nghiệp hóa hơn nữa các hoạt động, trong đó có nghiên cứu khoa học, được áp dụng cơ chế khoán trong Học viện đối với việc thực hiện các đề tài, tư vấn, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao như viễn thông và công nghệ thông tin. Học viện cũng đề nghị không giới hạn mức thu nhập của cán bộ nghiên cứu, đào tạo để họ dốc toàn tâm, toàn lực cho công tác nghiên cứu khoa học. Trong điều kiện hiện nay chưa thể có một thị trường khoa học công nghệ ngay, Học viện mong muốn được thực hiện những đơn đặt hàng về các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh của VNPT.
Thị trường nghiên cứu chất xám Việt Nam: Bao giờ có?
Giải trình những vấn đề trên với hai Bộ trưởng, Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh cho hay: Hiện nay, Nhà nước giao cho các đơn vị làm công tác nghiên cứu đề tài khoa học định mức tiền được hưởng do thực chất hiện nay việc nghiên cứu khoa học và phát triển các phần mềm nghiên cứu hiện nay đang là hai lĩnh vực khó có đơn giá và có định mức rõ ràng. Đặc biệt là các sản phẩm phần mềm. Chúng ta không thể cân, đong, đo, đếm được những sản phẩm trí tuệ và phần mềm có giá bao nhiêu là vừa, mặc dù hàm lượng giá trị các nghiên cứu viên bỏ ra là rất lớn.
Tình trạng này chỉ xảy ra ở Việt Nam, còn các quốc gia khác hầu hết đã hoàn thành việc xây dựng một thị trường về khoa học công nghệ. Để thu hút được nguồn chất xám từ các công trình, đề tài khoa học phục vụ công tác sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần phải sớm hình thành được thị trường chất xám có người mua, người bán. Thị trường sẽ quyết định mặt bằng giá chất xám. Và phải định nghĩa được sản phẩm công nghệ là sản phẩm hàng hóa. Khi đã có thị trường, việc định giá sản phẩm sẽ do thị trường quyết định và khi đó, Nhà nước sẽ thực hiện giao cho các trung tâm nghiên cứu, xây dựng các đề tài giống như việc giao thầu trực tiếp vậy.
Còn trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có một thị trường chất xám cho Việt Nam, chúng ta cần phải có giai đoạn quá độ với những chính sách đặc biệt dành cho những đối tượng làm công tác nghiên cứu khoa học như xem xét mặt bằng lương một cách phù hợp hơn để có thể sớm hình thành được thị trường công nghệ phát huy hiệu quả tốt nhất.
Cơ chế nào "cởi trói"?
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự buổi làm việc, những vấn đề trên không chỉ là bức xúc của riêng Học viện Công nghệ BCVT mà cũng là vấn đề đặt ra của các tổ chức nghiên cứu khoa học nói chung. Bộ trưởng Đỗ Trung Tá và Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đã đề nghị VNPT có những kiến nghị cụ thể cũng như định ra các hướng giải quyết đẻ sớm "cởi trói" được các cơ chế không hợp lý hiện nay.
Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, quan điểm của Bộ Khoa học công nghệ là không phân biệt đầu tư cho cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp miễn là khoa học công nghệ đáp ứng được sự đòi hỏi của sự phát triển của các ngành, đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Đã đến lúc Việt Nam phải có những tổng công ty lớn, những tập đoàn trong đó có những học viện đào tạo, đảm bảo cho ra những kỹ sư có năng lực cao. Trong vòng mươi, mười lăm năm tới, những lực lượng làm đổi mới công nghệ sẽ phát triển chứ không phải như hiện nay, các trung tâm nghiên cứu khoa học lại thiếu người tài.
Cùng với đó, chúng ta phải nhìn nhận, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dần dần tỷ trọng đóng góp của xã hội chủ yếu là doanh nghiệp sẽ chiếm rất lớn. Còn sự phát triển của nhà nước sẽ không nhiều. Điều đó không có nghĩa là đầu tư của nhà nước đối với khoa học công nghệ không phải giảm đi mà cần có sự chọn lọc. Phải tạo điều kiện như thế nào để các doanh nghiệp được dùng cái lợi nhuận của mình, trích một phần được tích lũy lại để đầu tư cho khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhận định:"Bài toán không chỉ đặt ra cho các quản lý doanh nghiệp mà ngay cả các nhà khoa học làm sao trí tuệ của mình, chất xám của mình đóng góp được sự phát triển, tăng trưởng của khoa học công nghệ. Nên nghiên cứu xem các vốn của doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ được đầu tư như thế nào, được sử dụng, phát huy như thế nào để nhà nước có sự điều chỉnh cho phù hợp".