Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

Ai sẽ là chủ nhân của Internet?

Cuộc chiến dành quyền “cai trị” Internet đang trở nên gay gắt. Một bên chiến tuyến là Cơ quan Tên miền và Số hiệu mạng Internet (ICANN), mà nhiệm vụ hiện tại sẽ chấm dứt vào năm 2006 và bên kia là Liên minh Viễn thông Quốc tế(ITU) với lập trường cho rằng các chính phủ có toàn quyền chi phối và kiểm soát không gian ảo.

Một câu hỏi được đặt ra, vậy Internet là của ai? Hơn 700 triệu người trên toàn cầu đang sử dụng email, Web, P2P, VoIP và các ứng dụng kết nối khác và họ sẽ bất ngờ khi biết rằng đang tồn tại một cuộc chiến quyết liệt dành quyền “kiểm soát” Internet. Đây là một trận chiến diễn ra với vũ khí là các báo cáo và các kế hoạch mang tính chiến lược tại những cuộc gặp thượng đỉnh toàn cầu.

Phía bên kia là những người khẳng định rằng Internet đã và đang trở thành khái niệm phổ thông một cách nhanh chóng bởi vì nó không bị điều hành và ảnh hưởng bởi chính phủ. Đó là lập trường ICANN, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại California, do Bộ Thương mại Mỹ thành lập và sẽ chấm dứt nhiệm vụ vào năm 2006 sắp tới.

Một bên chiến tuyến tuyên bố chính các chính phủ quốc gia là những chủ nhân có chủ quyền thực sự với những vấn đề nhỏ nhất trên không gian ảo. Quan điểm này xuất phát từ ITU, một cơ quan của Liên Hiệp quốc bao gồm các hãng viễn thông, truyền thông và các cơ quan chính phủ có chức năng xây dựng hệ thống mã số điện thoại toàn cầu trong hơn 139 năm qua.

Vấn đề đầu tiên khi nói tới “sự cai quản Internet” chính là sự sai lầm trong cách dùng từ. Thực tế, không có nhiều thứ trên Internet có thể được “cai quản” độc quyền. Các tiêu chuẩn đối với các hệ thống hạ tầng đều được thiết lập theo các thoả thuận chung giữa các tổ chức như IETF (Internet Engineering Taskforce), IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers), IAB (Internet Architecture Board) và ITU.

Những vấn đề nổi bật nhất hoặc những vấn đề mà người dùng lo ngại nhất, chẳng hạn nạn spam, sự lừa đảo, phishing, nội dung khiêu dâm và bảo mật thông tin cá nhân… lại do các cơ quan như lực lượng cảnh sát quốc tế, các nhà lập pháp và hàng trăm các công ty bảo mật và các tổ chức hiệp hội công nghiệp đảm nhiệm.

Trong khi đó, đối với những nội dung nhiều tính nhạy cảm, chẳng hạn khiêu dâm hay quyền tự do ngôn luận, không quốc gia nào sẵn sàng nhượng bộ quyền được kiểm soát những vấn đề này.

Tổng Thư ký ITU - ông Yoshio Utsumi – nhận thức rõ ràng vấn đề này khi ông khuyến cáo các đoàn đại biểu có mặt tại hội nghị về kiểm soát Internet hồi tháng 11/2004 rằng nên hiểu thuật ngữ này “ở góc độ hẹp nhất”. Thay vì đề cập tới các vấn đề như spam hay tính bảo mật cá nhân, vốn đã được thảo luận chi tiết trong các phiên họp trước đây tại Hội nghị Thượng đỉnh về Xã hội Thông tin, “chúng ta nên tập trung vào các hoạt động cốt lõi của việc quản lý các nguồn Internet của ICANN, đặc biệt là các domain ở cấp cao nhất – những vấn đề hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể”.

Trọng tâm của “sự cai trị”

Vấn đề cốt lõi của Internet chính là Hệ thống tên miền (DNS). Có thể hiểu DNS thực hiện chức năng giống như một hệ thống mã số điện thoại hoặc một hệ thống tìm kiếm và nhận biết duy nhất đang phát triển với Internet.

Trong mọi trường hợp, khi nói tới “sự cai trị Internet”, chính DNS và những vấn đề liên quan là đối tượng của “sự cai trị” này. Đó chính là công việc mà ICANN đang chịu trách nhiệm, mặc dù sự quản lý DNS và các hệ thống gán địa chỉ thực tế lại được thực hiện bởi các tổ chức do ICANN uỷ quyền như IANA (Cơ quan gán mã số Internet) và một số Trung tâm Thông tin mạng (NIC), chẳng hạn như Trung tâm Thông tin mạng APNIC ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ban đầu, ICANN chỉ là một cơ quan không chính thức kiểm soát hệ thống các địa chỉ xuất hiện từ những năm thập niên 70 và 80. Tại địa chỉ website ICANNwatch.org có nhấn mạnh nội dung sau: “Với tư cách là người đầu tư cho các dự án, chính phủ Mỹ trở thành người kiểm soát không chính thức về DNS. Sự tăng trưởng theo cấp số mũ của Internet đã làm nảy sinh những phức tạp đối với hệ thống quản lý DNS hiện tại, và những vấn đề trước đây đơn thuần mang tính kỹ thuật hiện nay đã trở thành các vấn đề chính trị, luật pháp và kinh tế thu hút sự quan tâm chính thức ở cấp độ cao”.

ICANN bắt đầu trở thành một tổ chức nhiều quyền lực hơn trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Mỹ dưới thời ông Clinton khi mà Internet chuyển biến từ một công cụ nghiên cứu và mang tính sở thích thành một mạng lưới truyền thông rộng khắp.

ICANN trên thực tế được thành lập năm 1998 trong một Bản ghi nhớ với Bộ Thương mại Mỹ. Văn bản này được gia hạn vài lần cho tới khi Bộ Thương mại tuyên bố CANN sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2006. Vấn đề phát sinh sẽ là cơ quan nào sẽ được trao trọng trách kiểm soát Internet kể từ năm 2006? Đó là một vấn đề lớn.
Đứng trước thời hạn cuối cùng vào năm 2006, Liên Hiệp quốc đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Xã hội Thông tin, tổ chức song song với các hội nghị của Liên Hiệp quốc về môi trường và sự nóng lên của Trái đất.

Hợp tác ở cấp độ toàn cầu

Các quan chức tại Hội nghị Thượng đỉnh Xã hội Thông tin đầu tiên tổ chức ở Geneva vào tháng 12/2003 đã không thể đi đến thống nhất trong bất cứ vấn đề nào cụ thể ngoài “Internet đã phát triển thành một vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng tới cộng đồng và sự kiểm soát Internet cần thiết phải trở thành một phần căn bản trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Xã hội Thông tin”.

Từ đó, Nhóm Làm việc của Liên hiệp quốc về Kiểm soát Internet (WGIG) đã được thành lập với mục đích vạch ra cho các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Tuy-ni-di vào tháng 11/2004 một điểm khởi đầu đàm phán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Theo các chuyên gia, các cuộcđàm phán tại WSIS đã động chạm tới các vấn đề như chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, tính bảo mật cá nhân và nhiều vấn đề khác.

Điều này “phản ánh thực tế là quyền lực Internet không chỉ bị giới hạn bởi các vấn đề mang tính kỹ thuật hoặc bởi các vấn đề về chính sách. Càng ngày, nó càng liên quan tới các vấn đề xã hội, kinh tế và an ninh quốc gia”.

Đại diện của Chính phủ Trung Quốc, ông Hi Qiheng, cố vấn của Uỷ ban Khoa học và Công nghệ nước này, lại đặt vấn đề một cách gay gắt hơn. “Không một công ty tư nhân hoặc nhóm lợi ích nào có thể đại diện quyền lợi của mọi người như chính phủ quốc gia. Nói một cách ngắn gọn, để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng, trật tự và lành mạnh của Internet, sự tham gia sâu sắc của chính phủ cần phải được thiết lập”.
Bên cạnh địa chỉ IP và tên miền, ông Hi còn nêu ra các vấn đề như bảo mật thông tin, nội dung khiêu dâm, tội phạm Internet, “hệ thống pháp lý quốc tế về Internet”, thương mại điện tử và “bảo mật căn bản trong điều hành mạng” là những vấn đề mà chỉ các chính phủ trên thế giới mới có thể giải quyết.

Thậm chí vai trò của ITU cũng trở nên yếu thế trong ngành công nghiệp viễn thông bởi sự xuất hiện của các tiêu chuẩn cùng tồn tại. Nhiều chuẩn công nghiệp quan trọng mới được công bố, trong đó có chuẩn công nghệ không dây 802.11 và 802.16 của IEEE.

Thậm chí ngay cả trong các lĩnh vực quan trọng khác, các tiêu chuẩn của ITU cũng không chiếm được ưu thế, chẳng hạn H.323 cho VoIP bị thay thế bởi chuẩn SIP của IETF.

Sự bất đồng

Việc khắc phục những căng thẳng và bất đồng giữa ICANN và những đối tượng thuộc phạm vi quyền hạn của tổ chức này là rất khó khăn. Việc quản lý các nguồn địa chỉ là một nhiệm vụ mơ hồ, nhưng chắc chắn điều đó sẽ dẫn tới nhiều mâu thuẫn. Nhiều người cho rằng ICANN đại diện cho quyền lợi độc quyền của chính phủ Mỹ và các tập đoàn lớn chứ không nhằm cung cấp một định hướng cho quyền lợi tổng thể.

Một vấn đề gần đây thường được nhắc tới là những rắc rối nhỏ liên quan tới đăng ký Whois, một hệ thống ghi lưu các thông tin chi tiết về chủ sở hữu một tên miền. ICANN từng quy định các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc đăng ký thông tin Whois và động thái này gây nên những phản ứng khá gay gắt. Các nước châu Âu phản ứng rằng điều này xung đột với các quy định về quyền bảo mật cá nhân của EU. Kết quả là một giải pháp linh hoạt hơn đã được đề xuất mang tính thoả hiệp.

Khi mà thời hạn 2006 đang tới gần, cuối năm ngoái, ICANN công bố một “Kế hoạch chiến lược” nhằm mục đích xoa dịu những lời chỉ trích bằng việc tuyên bố họ sẽ nâng cao hơn khả năng đáp ứng, cởi mở hơn và trách nhiệm hơn. Kế hoạch này cũng đồng thời là một thông điệp rõ ràng tới Bộ Thương mại, ITU và các chính phủ trên thế giới rằng mục tiêu của ICANN là “hoàn thành nhiệm vụ đã được giao phó bằng việc thành lập một ICANN hiệu quả, có tính quốc tế, tổng thể và hoạt động độc lập”.
Hiểu một cách khác, ICANN muốn khẳng định một sứ mạng mới sau năm 2006.

Tương lai mơ hồ

Vậy mọi việc sẽ tiến triển như thế nào? Không ai trong WGIG có thể trả lời được câu hỏi này. Tương lai của ICANN phụ thuộc vào việc liệu tổ chức này có tiến hành được những thay đổi hứa hẹn trước thời điểm 2006 hay không. Đây cũng thực sự là một câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.

Có vẻ như điểm lạc quan nhất chính là việc chúng ta nhận thức được rằng Internet vẫn hoạt động bất chấp tất cả. Hơn 700 triệu người dùng Internet thông qua hàng ngàn mạng lưới kết nối, hàng triệu máy chủ và hàng tỷ trang web.

Tất cả sẽ diễn ra với sự hợp tác và chung sức của các chính phủ, các tổ chức và các doanh nghiệp. Không cần ai được chỉ đạo làm điều này. Không cần một chính phủ nào bàn thảo và mơ ước về một kế hoạch như vậy. Nhân loại sẽ đứng ra nhận trách nhiệm bởi tất cả mọi người đều đánh giá rằng Internet là một điều tốt đẹp.

Hãy ghi nhớ điều này bởi chỉ trong vòng 12 tháng tới, vấn đề này sẽ thoát khỏi các chủ đề về kỹ thuật và xuất hiện trên các mặt báo lớn, và những cuộc tranh luận nảy lửa sẽ tiếp tục khởi động. Tuy nhiên, cho dù sẽ không dẫn tới một giải pháp cụ thể nào nhằm vào những vấn đề cụ thể nào chẳng hạn chống spam hay tội phạm mạng, Internet sẽ vẫn hoạt động và phát triển.

Phan Hoàng

Các tin tức khác:

Thiết lập đài phát thanh của riêng mình trên mạng Internet

D32 cập nhật virus mới như Pesin.b.worm.W32, StartPage.cl.v2.trj.W32...

Xử phạt "sàn OTC" ảo

Độ tin cậy của một công ty thiết kế web

Hà Lan đưa siêu máy tính lớn nhất châu Âu lên vũ trụ

Lỗi bảo mật lớn trong Windows

Pin Lithium có thời gian sạc chỉ trong vòng… 1 phút

Câu chuyện về sự thành công với công nghệ CDMA của Hàn Quốc

Các loại ĐTDĐ "đỉnh" nhất về bộ nhớ hiện nay

Mozilla nhắm tới thị trường trình duyệt di động

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone