Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Ai lên cửa khẩu Cầu Treo...
So với dưới xuôi, Bưu cục Cầu Treo còn nhiều khó khăn. Cả bưu chính và viễn thông chỉ có 3 người phục vụ cả ngày đêm. Đó là chưa kể mùa mưa bão, Bưu cục Cầu Treo còn có nhiệm vụ đảm bảo thông tin phục vụ phòng chống lụt bão.
Theo con đường quốc lộ 8A khoảng 90km ngược lên thượng nguồn dòng sông Ngàn Phố đến biên giới Việt – Lào là cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Cái tên Cầu Treo dễ gợi cho những ai lãng mạn tưởng tượng cảnh xưa kia chiếc cầu treo bằng dây đung đưa bập bềnh bên vách núi cheo leo.
Nhưng nay có đi rồi mới biết. Suốt dọc đường 8 lên biên giới, các cây cầu treo bằng dây đã được thay bằng những cái cầu bê tông bề thế vững chãi băng qua sông, qua suối hoặc men theo bờ vực sâu hun hút trên con đường nhựa uốn lượn theo triền núi trập trùng giữa rừng đại ngàn phía tây tỉnh Hà Tĩnh.
Dấu tích của trận lũ quét năm 2001 còn để lại khá đậm trên con đường này. Những vách núi bị sạt lở, những chiếc cầu bị hỏng nặng và những đoạn đường bị vùi lấp đã được sửa chữa khôi phục lại. Thỉnh thoảng “con dế” trong túi áo tôi lại rung lên tín hiệu chuông quen thuộc. Giữa địa hình núi cao này sóng VinaPhone chập chờn nhưng càng lên gần biên giới càng ổn định. Tiếng anh Trần Hải Lý, là Trưởng Trạm kiểm dịch Y tế cửa khẩu Cầu Treo vang lên trong máy như không dấu được niềm vui: “Ông đến đoạn mô rồi?”.
Đón tôi ở sân Trạm Hải quan, anh Lý “khoe” ngay: Ông thấy chưa? Đã gọi là cửa khẩu quốc tế, là “ phương diện” quốc gia mà không có điện thoại, không có Bưu điện thì khổ trăm bề. Tui có cái may mắn là khi về công tác ở đây thì bên Bưu điện đã lo cho khá tươm rồi. Công văn, báo chí, thư từ hàng ngày lên đều đặn, đúng giờ. Riêng cái điện thoại thì cả tỉnh này, bọn tui ở đây được ưu tiên số một. Ở giữa rừng giữa rú ra ri, có điện thoại là rất mừng. Năm 1995, điện thoại ở đây đã liên lạc được với khắp cả nước. Mà không phải loại thường đâu nhá. Vệ tinh, điện thoại vệ tinh Visat hẳn hoi nhé! Nghe anh em bên Bưu điện nói rứa! Té ra, hồi đó từ đây muốn liên lạc về tỉnh, về huyện hay các nơi khác, trước hết tín hiệu phải được “ bắn” lên trời cho vệ tinh truyền xuống cho mạng quốc gia rồi mới truyền đến số máy cần gọi. Nghe nói, vệ tinh trên trời thì ta chưa có mô! phải thuê kênh của nước ngoài đó! Tưởng rứa là đã sang lắm rồi, nhưng đến năm 2001, Bưu điện lại kéo cáp quang lên tận đây. Cáp quang là loại công nghệ hiện đại nhất hiện nay, nghe nói đầu tư tốn kém lắm, đắt lắm, chất lượng liên lạc thì tuyệt vời nhưng không biết răng mà giá cước không những không tăng mà lại liên tục giảm. Có mấy bài báo cứ kêu giá cước viễn thông của ta đắt. Mấy ông nhà báo đó răng không lên đây để biết đắt hay rẻ! Mùa lũ năm 2003, trận lũ quét nó tùa một cái, rứa là cả đường sá, cầu cống chi là trôi, là hỏng hết. Mấy ngày sau, khi đường sá chưa thông thì cáp quang đã được khôi phục, liên lạc của cửa khẩu lại được nối thông. Mừng ơi là mừng”.
Vừa kể chuyện, anh Lý vừa dẫn tôi đi bách bộ sang phía Bưu điện. Nhà Bưu điện ở đây gồm một bưu cục III thuộc Bưu điện huyện Hương Sơn và một Trạm Viễn thông thuộc Đài Viễn thông Hương Sơn của Công ty Viễn thông Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh. Quầy giao dịch khang trang có mặt tiền thoáng rộng bên con đường lớn và tháp anten vươn cao thanh thoát giữa bốn bề rừng núi. Có thể nói, đây là trung tâm của khu vực cửa khẩu bởi hàng ngày khách đến đây phần đông là cán bộ, nhân viên các cơ quan và sĩ quan, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Phía trên cửa khẩu, ngay trước gian sảnh của Trạm Hải quan còn có một quầy giao dịch của Bưu điện nữa. Khách trong nước và quốc tế khi qua lại cửa khẩu đã có ngay các dịch vụ điện thoại, điện báo, bưu phẩm, thư, điện chuyển tiền và cả EMS sẵn sàng phục vụ.
Anh Đậu Anh Toàn, Trưởng Bưu cục cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết: “So với dưới xuôi, bưu cục ở đây còn nhiều khó khăn. Cả bưu chính và viễn thông chỉ có 3 người phục vụ cả ngày đêm. Đó là chưa kể mùa mưa bão, Bưu cục còn có nhiệm vụ đảm bảo thông tin phục vụ phòng chống lụt bão. Toàn khu vực cửa khẩu có khoảng 800 dân nhưng đã có 50 máy điện thoại cố định, tính bình quân đạt hơn 6,2 máy/100 dân. Đó là chưa kể gần 30 máy điện thoại di động. Ở đây doanh thu tuy còn chưa cao nhưng chất lượng phục vụ thì bao giờ cũng được chú trọng hàng đầu. Lượng khách qua biên giới chưa nhiều, nhu cầu sử dụng dịch vụ Bưu điện mấy tháng nay có tăng nhưng không đáng kể. Chỉ tính riêng tháng 12/2004 thu viễn thông đạt 10.837.000 đ và thu bưu chính - phát hành báo chí đạt 728.400 đ. So với trước trận lũ quét tháng 9/2003, đường sá, cầu cống chưa bị hư hại, lưu lượng xe và khách qua lại biên giới đông nên doanh thu của bưu cục khá hơn. Hiện nay, việc sửa chữa nâng cấp quốc lộ 8A cũng đã gần xong. Tin rằng, sang năm mới này tình hình sẽ có những thuận lợi mới, anh em ở Bưu cục cửa khẩu Cầu Treo sẽ phấn đấu hết sức mình để tạo nên bước phát triển mới, hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao”.
Những điều anh Toàn nói và đặt niềm tin là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trên tuyến đường và vùng quê xinh đẹp này, những tiềm năng kinh tế đang dần dần được khơi dậy. Trong đó tiềm năng du lịch là có nhiều triển vọng nhất. Đặc biệt là du lịch sinh thái và các tour du lịch quốc tế rất được quan tâm.