Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
Adobe đến Việt Nam!
Ra mắt sản phẩm mới nhất Adobe Acrobat 7.0 ngày hôm nay (31/5) tại Hà Nội, tập đoàn này dự định sẽ chính thức có mặt tại thị trường VN trong những ngày sắp tới...
Bà Tan Wee Ling, Giám đốc Marketing của Adobe Systems khu vực Đông Nam Á - người phụ nữ chịu trách nhiệm toàn bộ cho việc đưa Adobe thâm nhập thị trường VN – cho biết, họ đang lựa chọn một số đối tác để làm Nhà phân phối tại VN. Adobe sẽ bán hàng theo kênh phân phối 2 cấp, từ Nhà phân phối (Distributor) đến các Đại lý (Reseller).
Sản phẩm mới nhất mà Adobe công bố hôm nay là phiên bản 7.0 của bộ phần mềm Adobe Acrobat – khá quen thuộc với người dùng Việt Nam. Đây là phần mềm chuyên biệt dùng để chuyển đổi tài liệu sang định dạng tài liệu di động (PDF - Portable Document Format).
Theo bà Tan Wee Ling, bộ sản phẩm Adobe Acrobat 7.0 có thể gọi là “Nền tảng tài liệu thông minh của Adobe”, vì nó có khá nhiều cải tiến và bổ sung như: tích hợp các phần mềm thiết kế AdobeLiveCycle, phần mềm quản lý chính sách AdobeLiveCyclePolicy, đặc biệt là ứng dụng miễn phí Acrobat Reader 7.0. “Không như trước đây, khi sử dụng Acrobat Reader, người dùng chỉ có thể đọc và ...đọc mà thôi trên bản PDF, còn phiên bản 7.0 cho phép người sử dụng đọc tài liệu và viết các ý kiến của riêng mình vào bản PDF đó”, bà Wei Ling nói.
Giá bán mà Adobe công bố cho thị trường Việt Nam với những sản phẩm mới này như sau: Acrobat 7.0 Professional: giá bán lẻ 429 USD. Người sử dụng Acrobat 4.0, Acrobat 5.0, Acrobat 6.0 Standard, hay Acrobat 6.0 Professional có thể nâng cấp lên Acrobat 7.0 Professional với giá 149 USD. Người dùng Adobe Photoshop có thể nâng cấp lên Adobe Creative Suite Premium 2.0 với giá 809 USD. Cả bộ Adobe Creative Suite Premium 2.0: giá bán lẻ là khoảng 1.129 USD. Sản phẩm Adobe Creative Suite Standard: 919 USD.
Vậy là một kế hoạch làm ăn chính thức tại thị trường VN của Adobe Systems là không còn xa. Họ đã có những tiếp cận cụ thể và các công bố cho sự kiện này. Xung quanh các vấn đề kế hoạch thâm nhập thị trường VN, chính sách giá, tiêu thụ, phân phối, ...bà Tan Wee Ling, Giám đốc Martking khu vực đã trả lời báo giới:
- Thưa bà, giá thành công bố cho các sản phẩm như trên kia là khá cao, khó lòng mà phù hợp ngay với người tiêu dùng VN, liệu Adobe có thể đưa ra một chính sách giá riêng cho thị trường VN được không?
Bà Tan Wee Ling: Thực tế, chúng tôi đã có mặt tại thị trường Trung Quốc 5 năm rồi, và bây giờ, chúng tôi mới đang xem xét một chính sách giá ưu đãi cho thị trường này. Còn Việt Nam, bây giờ mới là thời điểm khởi đầu, còn hơi sớm để chúng tôi trả lời chính xác điều này.
- Tiêu chuẩn để Adobe chọn nhà phân phối cho thị trường Việt Nam?
Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của Nhà phân phối, vì họ là đối tác làm ăn quan trọng của chúng tôi, như một cánh tay nối dài của chúng tôi. Vì vậy, những yêu cầu đầu tiên với một Nhà phân phối của chúng tôi phải là: Có uy tín cao, có hoạt động kinh doanh ổn định, và có một mạng lưới bán lẻ rộng khắp. Hiện chúng tôi đã xem xét một số công ty tại VN rồi, nhưng tên của họ thì chưa thể tiết lộ trong thời điểm này. Sau khi chọn được nhà phân phối, chúng tôi sẽ tiến hành lập tức việc đưa toàn bộ các sản phẩm khác của Adobe vào thị trường VN.
Bà Tan Wee Ling:
- Thời điểm nào Adobe sẽ ra mắt chính thức nhà phân phối?
Bà Tan Wee Ling: Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa quyết cụ thể.
- Theo điều tra của thế giới, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam là rất cao, bà nghĩ gì về điều này khi đặt chân vào thị trường VN và có kế hoạch đối phó thế nào với vấn nạn này?
Bà Tan Wee Ling: Chúng tôi biết điều này. Chúng tôi đã có quan hệ hợp tác tốt và là thành viên của Hiệp hội phần mềm thế giới BSA. Phía BSA sẽ có trách nhiệm lo vận động chính phủ để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền. Ví dụ, như ở Singapore, có sự vận động và can thiệp của BSA, chính phủ Singapore đã đưa ra các biện pháp hình sự khá hiệu quả cho nạn này. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam cũng sẽ có bước tiến triển lớn trong việc chống lại vấn nạn bản quyền.
- Khi vào thị trường VN, Adobe có ý định Việt hóa các sản phẩm của mình không?
Bà Tan Wee Ling: Quả là khó cho chúng tôi để thực hiện ngay việc này!. Vì ngay cả đối với thị trường Thái Lan, chúng tôi đã có mặt được 8 năm mà việc bản địa hóa đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến lĩnh vực này, và hiện nay, tại khu vực châu Á, chúng tôi mới thực hiện bản địa hóa sản phẩm được tại hai quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc
- Xin cảm ơn bà!