Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
92% website DN chỉ là "danh thiếp công ty"
Theo kết quả khảo sát vừa được Vụ thương mại điện tử (thuộc Bộ Thương mại) công bố tại Tuần lễ Triển lãm toàn cảnh CNTT VN vừa qua, trong số 303 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 82,9% doanh nghiệp có kết nối Internet và 25,32% doanh nghiệp thiết lập website.
Đây là tỷ lệ khá cao, tuy nhiên điều nghịch lý là trong khi nhiều doanh nghiệp đánh giá cao website như một phương tiện để xây dựng hình ảnh công ty thì chỉ có rất ít các doanh nghiệp được hỏi cho rằng website có tác động "tăng doanh số" hay "tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động".
Trong số 230 doanh nghiệp có website được khảo sát, có đến hơn 1/3 website là được thành lập từ năm 2003 trở lại đây. Ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ thương mại điện tử (TMĐT) nhận xét: đây là một bước tiến lớn về trình độ tiếp cận CNTT của doanh nghiệp. So với năm 2002, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 30% doanh nghiệp có kết nối Internet và không đến 10% doanh nghiệp có website riêng giới thiệu về dịch vụ và hoạt động của công ty mình.
Trong số 230 website của doanh nghiệp, có đến 92,17% website chỉ dừng ở mức giới thiệu công ty và sản phẩm dịch vụ. Có trên 40% website đã tiến thêm một bước là có cung cấp thông tin giá cả sản phẩm và cho phép liên hệ đặt hàng. Số website cho phép thanh toán bằng trực tuyến (bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản) chỉ chiếm hơn 10% và phần lớn trong số này là các siêu thị trực tuyến và website dịch vụ (du lịch, ngân hàng, dịch vụ tin học và viễn thông).
Đánh giá về hiệu quả tác dụng của website đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Thanh Hải đã ví von: Nhiều website hiện nay giống như tấm danh thiếp của công ty hơn là một kênh thông tin hữu hiệu để doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng và mở rộng phạm vi phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình.
Kết quả khảo sát của nhóm doanh nghiệp có website cũng cho thấy: khoảng 30% doanh nghiệp ở quy mô 50 nhân viên trở xuống có cho biết hàng năm họ chi trên 15% về những khoản mục liên quan đến CNTT. Mặc dù tỷ trọng đầu tư cho CNTT và TMĐT như vậy là tương đối cao, song hiệu quả thực tế do các doanh nghiệp mang lại vẫn được đánh giá khá dè dặt. Có gần 59% doanh nghiệp cho rằng TMĐT chỉ đóng góp dưới 5% vào tổng doanh thu của đơn vị, và chỉ có 13,7% đánh giá phần đóng góp TMĐT đạt trên 15%.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (từ 30 nhân viên trở xuống), tỏ ra khá bi quan: có đến gần 64% doanh nghiệp được hỏi cho biết ứng dụng CNTT-TMĐT chỉ mới đóng góp dưới 5% vào việc tạo doanh thu.
Thành công hiện nay nhất là những siêu thị mobile, do đối tượng khách hàng hướng tới là giới trẻ có thu nhập khá và phần nào đã quen thuộc với việc mua sắm trên Internet. Chiến lược xây dựng website của các công ty kinh doanh di động này là cung cấp những thông số kỹ thuật rất chi tiết về sản phẩm, đa dạng hoá mặt hàng trưng bày và thường xuyên cập nhật giá cả trên website. Ông Nguyễn Đức Tài, phụ trách kinh doanh của thegioididong.com cho biết: những thông tin này, một khi đã thuyết phục được khách hàng, sẽ trực tiếp dẫn đến việc đặt hàng (qua điện thoại hoặc đến cửa hàng). Một số công ty kinh doanh điện thoại di động đã cho biết: có đến 20-30% lượng hàng bán ra xuất phát từ việc khách hàng tìm hiểu thông tin trên website của công ty.