Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
8 sự kiện CNTT và viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2003
Năm 2003 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông (VT). Sự xuất hiện của mạng băng thông rộng ADSL và Internet phone đã mở đường cho ngành công nghiệp CNTT cất cánh. Bên cạnh đó, những biến đổi mạnh mẽ trên thị trường điện thoại di động cũng là điều đáng ghi nhớ. 1. Một thị trường viễn thông năng động hơn Ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 217/2003/QĐ/TTg, về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông. Theo quyết định này, Nhà nước tôn trọng quyền định giá cước và cạnh tranh về giá cước với các doanh nghiệp bưu chính viễn thông theo quy định của pháp luật; có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bình ổn giá cước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp bưu chính viễn thông và Nhà nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính viễn thông phát triển mạng lưới dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, biên giới, hải đảo. Đây là một “cú hích” góp phần phá thế độc quyền bưu chính, đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. 2. Giảm giá 12 loại cước viễn thông Ngày 1/4/2003, Bộ Bưu chính và Viễn thông quyết định giảm cức 12 loại dịch vụ viễn thông và Internet. Mức giảm bình quân cho từng loại dịch vụ là từ 10 đến 40%. Đây là lần giảm cước mạnh nhất từ trước tới nay, giúp mức cước các dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam đạt ngang bằng hoặc thấp hơn mức trung bình của các nước trong khu vực. Những dịch vụ có mức cước giảm mạnh nhất là điện thoại quốc tế, thuê kênh quốc tế và thuê kênh trong nước. Tuy nhiên, sau đợt giảm giá cước này nhu cầu sử dụng các dịch vụ không tăng mạnh như dự đoán. 3. Phá thế dộc quyền của thị trường dịch vụ điện thoại di động Sau nhiều năm độc chiếm thị trường điện thoại di động của doanh nghiệp chủ lực VNPT (MobiFone và Vinaphone), lần đầu tiên trong dịch vụ điện thoại di động có sự cạnh tranh thực sự với sự xuất hiện của của điện thoại SFone sử dụng công nghệ CDMA vào tháng 7. Để tăng tính cạnh tranh, tháng 9, VinaPhone và MobiFone cũng tung ra dịch vụ nhắn tin đa phương tiện MMS/GPRS, cho phép người sử dụng ĐTDĐ trao đổi những bức ảnh tĩnh (jpg) hoặc động (gif), âm thanh, giọng nói, những đoạn băng video và các văn bản lên tới 1.000 ký tự. 4. Ra đời các dịch vụ băng thông rộng xDSL và Wi-Fi Tháng 6, Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) ban hành mức cước tối đa cho dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng là 909.091 đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Ngay sau đó, các ISP triển khai dịch vụ Internet tốc độ cao MegaVNN của VDC, MegaBIZ và MegaNET của FPT... Động thái này đã giúp phát triển các dịch vụ gia tăng trên Internet, đẩy mạnh số người dùng dịch vụ, đặc biệt là tạo điều kiện cho các dịch vụ Internet phát triển. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng của những dịch vụ này vẫn chưa đạt được như các ISP này quảng cáo. Hy vọng tình trạng này sẽ sớm được cải thiện. Một sự kiện lớn khác liên quan tới Internet không thể không nhắc đến trong năm 2003 là lần đầu tiên VN triển khác các hotspot tại những điểm diễn ra SEA Games 22, các sân bay, nhà ga, khách sạn... Sự ra đời của dịch vụ này đã giúp cho giới báo chí, vận động viên, huấn luyện viên và các du khách tham dự SEA Games dễ dàng truy cập thông tin và điều hành công việc tại nhiều địa điểm khác nhau, đồng thời, giúp VN đẩy mạnh ứng dụng mạng không dây. 5. Bộ Bưu chính Viễn thông cho phép cung cấp dịch vụ Internet Phone Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng đầu tháng 7, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã phải đi tới quyết định cho phép các doanh nghiệp viễn thông cung cấp Internet Phone. Quyết định này đã giúp người dân tiết kiệm tiết kiệm được đáng kể chi phí so với phương thức truyền thống để gọi đi nước ngoài, và giúp giảm tình trạng bán lậu thẻ Internet Phone trả trước. Đến nay đã có 5 nhà cung cấp dịch vụ này: FPT, VDC, OCI, SPT và Netnam. Nhưng chắc ít ai quên sự kiện FPT đã "phá rào" triển khai dịch vụ để nắm lấy cơ hội của người đi trước mà khi chưa được đoàn kiểm tra liên ngành kiểm nghiệm dịch vụ lần cuối. Động thái này của FPT đã khiến không ít đối thủ cạnh tranh bất bình và ngay sau đó FPT phải lĩnh "thẻ" của Bộ Bưu chính Viễn thông yêu cầu dừng phát hành thẻ và cung cấp dịch vụ gần 1 tháng. 6. Triển khai Internet đến trường học trên cả nước Tháng 4, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Bưu chính Viễn thông đã quyết định phối hợp cùng nhau để đưa Internet tới các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học trong cả nước. Cho đến nay có khoảng 80% các trường đã được tiếp cận Internet. Có thể nói chương trình đưa Internet về trường học bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tính hiệu quả của chương trình này chưa cao. Bởi nhận thức của giáo viên về CNTT còn thấp, công tác tập huấn luyện, nâng cao kỹ năng sử dụng Internet phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cả giáo viên, học sinh, sinh viên chưa tốt. Hơn nữa, các trường khai thác chưa hiệu quả, nhiều website không được cập nhật thông tin. 7. Sự sụp đổ thương hiệu Dongnam Associates Nhà phân phối ĐTDĐ hàng đầu Việt Nam, Dongnam Associates gây chấn động thị trường, và làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của người dùng. Dongnam Associates coi như đã mất, nhưng bù vào đó, thị trường năm 2003 lại có sự góp mặt của một loạt các nhà phân phối mới như công ty Minh Thành, May Mắn, Thuận Phát…. Nhưng có lẽ sự kiện đáng quan tâm nhất là sợ trở lại mạnh mẽ của FPT Mobile. Khi còn Dongnam Associates, FPT Mobile chỉ là thương hiệu mờ nhạt, nhưng sau cú tiếp nhận Motorola, Samsung, công ty này đã nổ lên như một đại gia mới. 8. Hội nghị thượng đỉnh về CNTT và VT châu Á - châu Đại Dương 2003 (ASOCIO ICT Summit 2003) Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 30/11/2003, ASOCIO ICT Summit 2003 là sự kiện quốc tế quan trọng về CNTT và VT lần đầu tiên VN đăng cai tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 đại biểu trên thế giới và trong nước gồm các bộ trưởng, thứ trưởng, chuyên gia CNTT... Đây là dịp để VN học hỏi, tham khảo được kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển CNTT và viễn thông, đồng thời nghe họ đóng góp ý kiến về chính sách, chiến lược phát triển cho VN.