Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
5 trò lừa phổ biến nhất trên Internet
Hồi sinh sau giai đoạn suy thoái dotcom, doanh số bán lẻ trực tuyến năm ngoái tăng 26%. Tháng 9/2004, tổng số tên miền đã đăng ký toàn cầu đạt 64,5 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Internet đang bùng nổ trở lại nhưng kèm theo làn sóng tội phạm trực tuyến.
Theo một báo cáo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Trung tâm chống tội phạm trí thức của nước này, số thông báo về các hoạt động gian lận trực tuyến tăng gần gấp đôi từ 2003 đến 2004. Hãng khảo sát Gartner thì ước tính riêng nước Mỹ có gần 10 triệu người là nạn nhân của các hành động lừa đảo trên mạng trong năm ngoái.
1. Đấu giá trực tuyến
Kiểu lừa này chiếm khoảng 3/4 tổng số vụ nạn nhân thông báo với Trung tâm chống tội phạm Internet của FBI. Có rất nhiều mánh khóe lừa ăn theo mạng mua bán eBay nhưng đều có kết cục chung là nạn nhân gửi tiền đi nhưng không nhận được sản phẩm như hứa hẹn.
Lời mô tả những mặt hàng “câu” khách thường chung chung, không đầy đủ thông tin. Một kẻ lừa đảo đã bán đấu giá chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton mà thực ra hắn ta không sở hữu, sau đó hắn lùng trên Internet để kiếm một sản phẩm cùng loại có giá thấp hơn giá mà khách trả và giao cho họ. Tên này đã kiếm được ít nhất 18.000 USD từ những người tham gia đấu giá trước khi bị tóm. Một nạn nhân khác cứ nghĩ mình đã mua được chiếc đầu DVD với giá 100 USD nhưng những gì anh ta nhận được lại là một địa chỉ web bán loại đầu DVD giảm giá 200 USD. Có người đấu giá mua máy tính xách tay thì cuối cùng nhận được sách. Những ai “bẩm báo” về trò lừa thì kẻ bán hàng lập tức phản công bằng cách đăng những thông báo tiêu cực về họ trên eBay thông qua những cái tên giả.
2. Phishing
Một trong những ví dụ tiêu biểu của thể loại lừa này là: Bạn nhận được một e-mail có vẻ như được gửi từ ngân hàng mà bạn sử dụng, có đầy đủ logo và đường link hợp lệ, cảnh báo về nguy cơ ăn cắp mã số cá nhân khi bạn đăng nhập và xác thực tài khoản. Thông điệp nói rằng ngân hàng sẽ nâng cấp tài khoản khách hàng để phòng ngừa và yêu cầu bạn khai báo lại các thông tin cá nhân. Trong một số trường hợp, tội phạm còn dẫn bạn đến đúng website thật rồi sau đó cho hiện ra một cửa số dạng pop-up để bạn nhập thông tin.Tất cả những dữ liệu này sau đó sẽ bị kẻ thu thập bán lại cho các tổ chức tội phạm và được dùng để moi tiền từ tài khoản của bạn bằng những loại thẻ tín dụng giả. Theo Gartner, trong năm 2003 tội phạm phishing đã “thịt” của người tiêu dùng tổng cộng 1,2 tỷ USD.
Phishing - một cách biến tấu của từ tiếng Anh “fishing”, nghĩa là câu cá - bắt đầu xuất hiện vào giữa thập kỷ trước khi giới hacker tìm cách ăn cắp mã tài khoản của các thuê bao dịch vụ AOL. Gần đây, FBI liên tục cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả vờ nhân danh các tổ chức cứu trợ nạn nhân sóng thần châu Á. Cuối tháng trước, chính cơ quan này cũng trở thành bình phong của tội phạm khi rất nhiều thông điệp nhân danh FBI được phát đi.
3. Thư 419
Trò này bắt nguồn từ Nigeria và được đặt tên theo số thứ tự của một điều luật chống lừa đảo ở nước này. Nạn nhân nhận được một e-mail, thường viết bằng chữ hoa và bắt đầu với nội dung đại loại như: “Kính thưa ông/bà. Tôi đại diện cho ông bộ trưởng nông nghiệp mới bị bãi chức ở nước… sau khi đã biển thủ 30 triệu USD và bây giờ cần trốn ra nước ngoài…”. Kẻ gửi thư cho biết đang cần tìm người đồng ý chuyển số tiền tham ô nói trên vào tài khoản của họ và nhận một khoản hoa hồng tương đương 30% tổng giá trị chuyển khoản. Tuy nhiên, trước khi giao dịch hoàn tất, bạn phải bỏ ra trước vài nghìn USD để trả thuế, đút lót các quan chức ở bản quốc…và nhiều loại tiền khác. Bạn thậm chí còn được mời ra nước ngoài gặp mặt chúng để hoàn tất các “thủ tục giấy tờ cần thiết”.
Mất tong số tiền đặt trước là chuyện đương nhiên còn ai dại dột mò sang điểm hẹn ở nước ngoài thường bị trấn lột. Theo FBI, các nạn nhân của thủ đoạn 419 mất trung bình 3.000 USD khi mắc bẫy. Một số người đã bị giết hoặc mất tích khi lên đường ra nước ngoài với hy vọng gặp “đối tác” để vớ bở.
4. Trung chuyển hàng
Bạn nhận được e-mail quảng cáo tuyển dụng, trong đó cho biết một công ty nước ngoài đang khuyết một chân trung gian nhận hàng và chuyển tiếp ra nước khác. Nếu đồng ý, nạn nhân sẽ được yêu cầu chấp nhận các khoản thanh toán bằng điện tín vào tài khoản của mình để sau đó chuyển tiếp số tiền vào tài khoản của “ông chủ”. Mỗi lần bạn sẽ được nhận một khoản hoa hồng trích từ tổng giá trị số hàng hoặc số tiền chuyển khoản. Ở thể loại lừa đảo này, hầu hết các sản phẩm trung chuyển đều được mua trực tuyến bằng các số thẻ tín dụng ăn cắp. Người chấp nhận tham gia sẽ biến mình trở thành kẻ tiếp tay chuyển hàng ăn cắp và các khoản tiền mờ ám trong một đường dây tội phạm. Trong thời gian đầu, bạn có thể kiếm được khá nhiều tiền nhưng chỉ sau vài tháng, tài khoản của bạn sẽ trống trơn cộng với nguy cơ bị nhà chức trách tóm cổ vì là tòng phạm.
5. Trúng giải thưởng hiện vật
Một e-mail gửi đến thông báo bạn vừa trúng thưởng một món đồ thú vị nào đó, thường là các thiết bị điện tử thời thượng, chẳng hạn máy nghe nhạc iPod hay máy chơi game Xbox của Microsoft. Đầu tiên, bạn sẽ được mời vào một website và khai báo số thẻ tín dụng và mã số riêng (PIN) để thanh toán “chi phí giao nhận”. Tất nhiên món đồ không bao giờ đến nơi. Thời gian sau đó, bạn sẽ còn thấy nhiều khoản chi bất thường từ tài khoản của mình.