Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
10 virus máy tính nguy hiểm nhất năm 2003
Sobig-F đã trở thành virus lớn nhất năm nay và còn được xếp là một trong những virus nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Con sâu này, cùng với virus số 2 là Blaster-A, chiếm tới hơn 1/3 tổng số bản sao các chương trình phá hoại được phát hiện trong 12 tháng qua. Bảy tháng đầu năm trôi qua không có mấy sự cố ghê gớm. Tuy nhiên, tất cả lập tức thay đổi ngay trong tháng 8 khi liên tiếp 3 chương trình phá hoại xuất hiện và tấn công với cường độ lớn. Người sử dụng gia đình và các doanh nghiệp lao đao trước sự xuất hiện của 3 con sâu Blaster, Nachi và Sobig-F. Tháng 8 được coi là tháng “nóng” nhất về tình trạng bùng phát và lây lan virus. 3 virus tấn công trong tháng này vì thế đứng đầu trong Top 10 chương trình phá hoại năm nay. Nói Sobig-F là virus lớn nhất vì lượng e-mail khổng lồ mà nó đã tạo ra. Vào thời điểm phát tán mạnh nhất của con sâu này, hãng phần mềm an ninh Sophos đã ghi nhận được tới trên 400.000 bản sao của nó mỗi ngày. Tất cả số virus trong Top Ten năm nay đều lấy mục tiêu tấn công là máy tính chạy Windows. Tuy nhiên, khác với 8 virus còn lại trong danh sách, Sobig-F và Blaster-A không khai thác những khiếm khuyết an ninh trong công cụ e-mail Outlook của Microsoft, mà thay vào đó, lại tấn công qua những lỗ hổng trong phương thức trao đổi file trên mạng của các hệ điều hành Windows NT, 2000, XP và Server 2002. Năm 2003 còn chứng kiến sự lan rộng của hình thức sử dụng virus để đánh lừa người sử dụng, khiến chúng phát tán được mạnh hơn, chẳng hạn như virus Palyh giả vờ là thông báo hỗ trợ kỹ thuật của Microsoft, hay Gibe-F và Dumaru trá hình các bản nâng cấp an ninh của hãng phần mềm khổng lồ. Năm nay cũng ghi nhận sự gia tăng những chương trình phá hoại mà tội phạm thiết kế nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của người sử dụng để khai thác tài khoản trực tuyến hoặc thực hiện các vụ gian lận thương mại khác. Tiêu biểu cho tình trạng này là virus Mimail-J, giả dạng một thông điệp của hãng dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, đánh lừa khách hàng khai báo thông tin thẻ tín dụng, hay như virus Bugbear, tìm cách ăn cắp thông tin tài chính dựa vào những ký tự mà người sử dụng gõ trên bàn phím khi giao dịch trực tuyến. Mặc dù vậy, Graham Cluley, chuyên gia của hãng phần mềm an ninh Sophos, vẫn kết luận về tình hình virus năm 2003 bằng một câu đầy lạc quan: “Bất chấp 86.000 loại virus đã được xác định cộng với khoảng 100 virus mới xuất hiện hằng ngày, cuộc chiến chống lại các phần mềm phá hoại không phải là vô vọng. Các doanh nghiệp ngày càng nâng cao cảnh giác và tích cực đầu tư cho công cụ phòng vệ. Nhìn chung, chúng ta vẫn đang giành chiến thắng trước tin tặc”. Danh sách 10 virus của năm 2003 (tỷ lệ thông báo Sophos nhận được) 1) Sobig-F (19,9%) 2) Blaster-A (15,1%) 3) Nachi-A (8,4%) 4) Gibe-F (7,2%) 5) Dumaru-A (6,1%) 6) Sober-A (5,8%) 7) Mimail-A (4,8%) 8) Bugbear-B (3,1%) 9) Sobig-E (2,9%) 10) Klez-H (1,6%) Các virus khác: 25,1%