Go to top

Trang chủ  » Thiết kế website giá rẻ

10 sự kiện công nghệ thông tin thế giới năm 2004

Việc IBM bán đơn vị sản xuất máy tính cho tập đoàn Lenovo (Trung Quốc) hay “cái chết” của triển lãm Comdex (Mỹ) là bằng chứng cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp đang bắt đầu. Thế giới đã bước vào thời kỳ "hậu PC".

Thời kỳ chuyển mình này bao hàm không chỉ những thay đổi trong bản thân lĩnh vực điện toán mà cả những vấn đề liên quan tới luật pháp và chiến lược công nghệ. Công nghệ còn có thể tiến nhanh hơn nữa nếu bản quyền không còn được công nhận? Người sử dụng có thể triển khai những hệ thống mã nguồn mở cho các quy trình quan trọng với suy nghĩ rằng nền tảng pháp lý của mã lõi là hợp lý? Tìm ra câu trả lời xác đáng thật không đơn giản nhưng 10 sự kiện dưới đây (không xếp theo trình tự mức độ quan trọng) có thể đem lại một cái nhìn rõ nhất về bức tranh công nghệ thông tin toàn cầu trong năm qua.

Chấp nhận tình hình thực tế, IBM bán đơn vị sản xuất PC

Chỉ còn vài tuần trước khi 2004 khép lại, Big Blue quyết định bán bộ phận chế tạo computer cá nhân cho tập đoàn máy tính Lenovo của Trung Quốc. Thương vụ đem về cho họ hơn 1 tỷ USD tiền mặt kèm theo quyền sở hữu 18% cổ phần tại Lenovo, đồng thời một quan chức hiện nay của IBM sẽ lãnh đạo tập đoàn mới có trụ sở tại New York. Thương vụ còn giúp IBM vẫn nhìn thấy đôi chân họ đứng trong thị trường PC để tiếp tục cung cấp các dịch vụ và sản phẩm khác. IBM, cái tên gắn liền với cuộc cách mạng máy tính của những năm 80 thế kỷ trước, rút ra khỏi ngành kinh doanh PC bởi lời lãi không còn nhiều trong khi sự cạnh tranh lại quá lớn. Giới phân tích dự báo sẽ còn nhiều vụ mua bán, sáp nhập kiểu như vậy trong vài năm tới.

Trung Quốc - một Ấn Độ hay Mỹ mới?

Năm nay, quốc gia với tiềm năng nhiều mặt này đã nổi lên như một thế lực mới với tiếng nói riêng của mình trong giới công nghệ toàn cầu. Trong một phát biểu tại Bắc Kinh hồi tháng 9, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Cisco, John Chamber, nói: “Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm CNTT của thế giới”. Tất nhiên, ông này muốn ám chỉ đến thời gian thập kỷ trước khi điều đó thành hiện thực. Song ngay trong năm 2004, nhiều công ty lớn như Accenture, IBM và các hãng dịch vụ của Ấn Độ như Wipro đã thiết lập hoặc mở rộng kinh doanh tại nước này. Tất cả những hoạt động đó sẽ phục vụ chủ yếu thị trường nội địa nhưng cũng đã khiến cho hạ tầng của Trung Quốc trở nên mạnh hơn của đối thủ cùng châu lục là Ấn Độ. Trung Quốc không chỉ tích cực tăng cường khả năng ngoại ngữ của nhân lực cũng như hành lang pháp lý mà còn tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ. Trong khi đó, các công ty mạng và phần cứng như Hồng Kỳ (Red Flag) cũng đang bắt đầu tăng dần vị thế dẫn đầu trên thị trường phần mềm thế giới.

Cuộc đấu Oracle - PepleSoft kết thúc “có hậu” cho ngài Larry

Đồng sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành Oracle, Larry Ellison, cuối cùng đã có thể nở nụ cười tươi mặc dù nhiều đối thủ và đối tác trong ngành công nghiệp phần mềm nghĩ rằng việc Oracle tung tiền sáp nhập hãng phần mềm quản trị doanh nghiệp PeopleSoft sẽ chỉ gây ra “nỗi lo sợ, sự bất ổn và mối hoài nghi”. Thế nhưng vụ việc đã kết thúc với 10,3 tỷ USD được Oracle đặt lên bàn thương lượng. Con số quá hấp dẫn khiến PeopleSoft không thể tiếp tục "ngúng nguẩy", chấm dứt quãng thời gian dài nhùng nhằng tại tòa án và những cuộc đấu khẩu, cũng như nhiều nỗ lực cản trở của cơ quan pháp luật Mỹ với lý do chống độc quyền. Sau hai năm kể từ ngày bắt đầu chiến dịch “nuốt” PeopleSoft, Oracle đã hoàn tất một ví dụ tiêu biểu nữa cho chân lý: Chỉ kẻ mạnh mới tồn tại.

Sun Microsystems và Microsoft - không thể hục hặc mãi thì thành bạn

Một trong những tiêu điểm của năm 2004 là việc đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Sun Microsystems, Scott McNealy, ngồi sánh vai với Giám đốc điều hành Microsoft, Steve Ballmer, cùng cười tươi và nói tếu về sự ngạc nhiên của chính họ đối với "thỏa thuận hợp tác vĩ đại" giữa đôi bên. Văn bản ký hồi tháng 4 đã kết thúc chuỗi kiện tụng pháp lý nổi tiếng giữa hai kẻ thù tưởng như sẽ không thể đội trời chung trong ngành công nghiệp điện toán. Microsoft móc túi trả Sun 1,6 tỷ USD để “người bạn mới” rút lại những đơn kiện bằng sáng chế và chống độc quyền. Thỏa hiệp Sun Microsystems - Microsoft là một thắng lợi cho tất cả chứ không chỉ cho 2 bên đương sự: Sun có tiền để chấn chỉnh hoạt động khi mà dự án hệ điều hành Solaris của họ ngốn quá nhiều tiền, Microsoft cũng đỡ phải lo âu về các đòn pháp lý của một đối thủ “hung dữ” như Sun và cuối cùng, người tiêu dùng, về lý thuyết, sẽ được hưởng lợi với những sản phẩm chất lượng tốt hơn nhờ sự hòa hợp của 2 hãng.

EU “ra đòn” với Microsoft

Phán quyết chống độc quyền của Liên minh châu Âu đối với gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã cho thấy Microsoft khó có thể hoàn toàn dùng tiền để tìm được con đường thoát ra khỏi rắc rối pháp lý này. Mặc dù tập đoàn của Bill Gates từng vượt qua rất nhiều cơn sóng chống độc quyền trước đó cũng như những yêu sách đòi tiền của một số bang tại Mỹ hoặc của các công ty, tổ chức…, phán quyết của EU hồi tháng 3 đã giáng một đòn nặng tới 613 triệu USD tiền phạt cộng với yêu cầu hãng phần mềm phải cung cấp hệ điều hành Windows mà không có phần mềm nghe nhìn Windows Media Player. Vụ kiện có thể sẽ nhùng nhằng vài năm nữa nhưng việc Microsoft tuyên bố lập tức tuân thủ án phạt và cung cấp Media Player như một ứng dụng độc lập cũng có nghĩa là mô hình kinh doanh của họ chắc chắn sẽ có sự thay đổi.

Một năm lao đao của “tượng đài” Intel

Công ty sản xuất chip số 1 thế giới, một thời tự hào về khả năng thực hiện chiến lược kinh doanh thông minh và năng lực sáng tạo hàng đầu trong ngành công nghệ cao, đã bước ra khỏi 2004 với việc thay đổi hoàn toàn những sách lược về server và desktop, hạ thấp những dự báo về sản phẩm tiêu dùng trong lĩnh vực viễn thông và điện tử, những sai lầm trong sản xuất, sự kính trọng bị giảm sút và giá cổ phiếu sụt giảm. Trong khi đó, đối thủ AMD dường như đang mở rộng ảnh hưởng của họ vào lãnh thổ bấy lâu vẫn do Intel thống trị. Tháng 2, bất chấp những tuyên bố trái ngược trước đó, Intel đã buộc phải giới thiệu một bộ xử lý 64 bit cho máy chủ cấp thấp nhằm đối phó với những thành công đầu tiên của AMD trong việc kích cầu đối với một sản phẩm cùng loại. Dù sao, điều này cũng đã chứng minh rằng cạnh tranh luôn thúc đẩy những tiến bộ công nghệ mới.

Làm ăn thắng lợi, Google cổ phần hóa

Việc hãng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến niêm yết sơ bộ trên thị trường chứng khoán vào tháng 8 - một trong những sự kiện kinh doanh của làng công nghệ được nói đến nhiều nhất trong năm nay - đã xới lên những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn về thời kỳ bùng nổ dotcom cũng như sự lạc quan xen lẫn hoài nghi về nền kinh tế thế giới. Liệu tất cả mối quan tâm đối với Google có đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ bắt đầu bơm tiền vào thị trường dịch vụ trực tuyến? Câu hỏi ấy vẫn chưa có lời giải đáp nhưng sự xuất hiện của Google trên thị trường cổ phiếu thì rất hấp dẫn với những yếu tố thuyết phục: tình hình tài chính của họ ổn định, dịch vụ Gmail 1 GB gây tiếng vang lớn và thậm chí đã tạo nên một cuộc chiến về dịch vụ e-mail miễn phí dung lượng lớn. Dù việc Google niêm yết có thể không phải dấu hiệu dự báo về một thời kỳ bùng nổ dotcom mới, nó vẫn cho thấy một điều: Với công nghệ đúng đắn và một vị thế phù hợp trên thị trường, mọi công ty đều có thể thu hút đầu tư của công chúng.

Châu Âu rục rịch luật tác quyền mới

Sự náo động bắt nguồn từ việc EU có thể phê chuẩn luật bản quyền mới đã làm bùng lên nỗi sợ hãi và bối rối xoay quanh khái niệm sở hữu tài sản trí tuệ. Được Ủy ban châu Âu đề xuất, quy định này sẽ công nhận bằng sáng chế phần mềm. Tuy nhiên, những dự thảo sau đó của Quốc hội châu Âu lại bị thay đổi và không chấp nhận điều này. Ngay trước khi 2004 khép lại, việc bỏ phiếu tại cơ quan này (bước tiếp theo trong thủ tục phê chuẩn) đã bị hoãn vì những áp lực chính trị làm rối tung không biết nên phê chuẩn dự thảo nào. Các công ty lớn ủng hộ ý tưởng bằng sáng chế cho phần mềm trong khi các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng phần mềm, với tiềm lực yếu không thể đối phó với vấn đề bản quyền, tất nhiên cực lực phản đối. Vấn đề đã thu hút sự chú ý của cả những công ty lớn tại Mỹ. Chẳng hạn, một hiệp hội gồm nhiều hãng lớn ở cường quốc công nghệ này đã xem xét nghiêm túc đến việc mua tất cả số bản quyền dịch vụ web mà công ty phần mềm phá sản Commerce One đem bán đấu giá, nhằm phòng ngừa những hậu họa pháp lý tiềm tàng.

Vụ kiện SCO bế tắc, Linux tăng trưởng tưng bừng

Đơn khiếu nại của tập đoàn phần mềm mã mở SCO khởi xướng năm ngoái nhắm vào IBM, khiến biết bao đối tượng liên quan lo ngay ngáy rằng sự phát triển của Linux sẽ bị cản trở, cuối cùng dường như đang đi vào ngõ cụt. Năm nay, mặc dù SCO chưa buông tha IBM và còn tiếp tục mở rộng vụ kiện, tấn công thêm cả Novell và các hãng sử dụng sản phẩm như Autozone và DaimlerChrysler, triển vọng thành công của họ đã có phần mờ dần: tòa án bác đơn kiện đối với DaimlerChrysler rồi sau đó chính SCO cũng rút bỏ một phần cáo buộc IBM xâm phạm bản quyền trong đơn kiện. Trong khi đó, SCO cũng thất bại trong việc thu hút nhiều khách hàng đăng ký vào Hệ thống bản quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với Linux. Vụ kiện SCO -IBM tới cuối năm 2005 mới đưa ra xử nhưng nó không thể phương hại triển vọng của Linux khi mà tập đoàn dữ liệu IDC dự báo “Chim cánh cụt” sẽ chiếm lĩnh 25,7% số server toàn cầu vào năm 2008 và tạo ra doanh thu gần 35 tỷ USD.

Triển lãm máy tính Comdex - tiệc vui đã hết!

Những hàng xe buýt kéo dài chở khách tham quan, những phòng triển lãm rộng mênh mông, những bữa tiệc khai trương đầy ngôi sao nhạc rock và các tỷ phú trẻ… Tất cả vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với các triển lãm thương mại khác của Mỹ ngoại trừ cái tên Comdex. Sự kiện công nghệ thường niên này đã chính thức bị hủy bỏ từ năm nay. Sau khi số đối tượng tham dự triển lãm năm 2001 giảm tới 40% do sự kiện khủng bố 11/9 và sự tan vỡ của kỷ nguyên dotcom, liên hoan công nghệ tiếng tăm nhất của cường quốc công nghệ số 1 thế giới đã không thể gượng dậy được.

Triển lãm Comdex, bắt đầu được tổ chức vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước với tên đầy đủ là Triển lãm của các công ty kinh doanh máy tính (Computer Dealers Exposition - viết tắt thành Comdex), đã đạt đến thời kỳ huy hoàng nhất của nó vào giữa những năm 90 nhờ một ngành công nghiệp máy tính dồi dào tiền bạc từ sự bùng nổ của thế giới dịch vụ Internet. Việc chấm dứt tổ chức Comdex báo hiệu sự kết thúc thời kỳ dotcom nhưng cũng có thể là viên gạch đầu tiên cho một sự tái sinh khác.

Các tin tức khác:

Google tiết lộ mã nguồn máy tìm kiếm

Tính cước ĐTDĐ một vùng: Khách hàng được lợi KẾT QUẢ EURO 2004

Website tạo dựng thương hiệu tốt hơn cửa hàng thực

Panasonic chuẩn bị cho ĐTDĐ VoIP

Cải thiện chất lượng ảnh của webcam

Microsoft ban hành 7 miếng vá bảo mật mới

Máy ảnh số bình dân

Nghe nhạc iTunes bằng điện thoại Motorola

Xem tin nhắn ĐTDĐ ngoài không trung

Hồng Kông sẽ là chủ nhà của Telecom World 2006

Danh mục

Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí

0989 722 522

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN WEBSITE - ỨNG DỤNG - THIẾT BỊ CHUYÊN NGHIỆP TOPSITE

Địa chỉ: 41/1, Phường Trung Mỹ Tây Quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Email: hotro@topsite.vn - info@topsite.vn Tel: 0978.893.678 - 0938 869 787
MSDN/GPĐKKD: 19025687954
MST: 0310368322
Số TK: 0501000001371 tại Ngân Hàng Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Lộc
© 2004 - 2014 Copyright. All rights reserved. Bản quyền thuộc về công ty thiet ke web ITECHCO CO.,LTD

Chúng tôi chấp nhận thanh toán qua:

liberty reservengan luongonepaysoha payvisaweb money1web money2paypalpayone