Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
10 người xem blog thì có 1 dùng RSS
Hãng nghiên cứu truy cập web Nielsen//NetRatings cho biết hơn 10% số người hay đọc tin trong các website cá nhân đang thường xuyên sử dụng tiện ích tổng hợp tin tức RSS để phân loại số lượng ngày càng nhiều các trang tin loại này.
Tuy nhiên, đại bộ phận những người mà Nielsen//NetRatings khảo sát cho biết vẫn chưa quen với RSS. 1/4 nói rằng có biết RSS là cái gì nhưng không dùng trong khi 66% không hề biết hoặc chưa bao giờ nghe nói tới.
Nielsen//NetRatings cho biết 50 blog hàng đầu thế giới và các website liên kết blog đã tăng trưởng thêm 31% và thu hút tới 29,3 triệu độc giả riêng trong tháng 7/2005.
“RSS đã phổ biến ở mức độ nhất định nhưng chính sự phát triển nhanh về số lượng các website cá nhân đã thúc đẩy mạnh hơn công nghệ này dưới dạng một công cụ cá nhân hóa nội dung”, Jon Gibs, Giám đốc nghiên cứu của Nielsen//NetRatings, phát biểu. Theo ông này, RSS có khả năng thu thập tin tức nhanh và liên tục theo một cách mà người sử dụng có thể tùy biến và dễ quản lý. Dạng dịch vụ này còn đem đến cho các công ty tiếp thị một kênh thông tin bổ sung để quảng bá sản phẩm một cách kịp thời đến với người xem tin. Người dùng RSS thường xem hầu hết những gì họ đã chọn nên các đơn vị quảng cáo có thể phát đi những thông điệp phù hợp với mục đích khai thác khách hàng.
Liên quan đến công nghệ RSS, Microsoft gần đây vướng vào một vụ tranh cãi khi họ quyết định đặt tên công nghệ này trong phiên bản trình duyệt Internet Explorer 7 sắp ra là “web feeds”. Tuy nhiên, cộng đồng blogger thì không đồng tình vì cho rằng cái tên RSS đã được khẳng định và việc sử dụng một cách gọi khác có thể khiến người sử dụng hiểu sai khái niệm.
RSS - viết tắt của “Really Simple Syndication” hay "Rich Site Summary" hoặc "RDF Site Summary" - là một định dạng tổng hợp tin tức do hãng NetScape phát triển năm 1999 và được dùng phổ biến trong việc thông báo cho độc giả về các tin bài mới cập nhật ở website cá nhân và trang web của các hãng truyền thông. RSS có hai phiên bản: RSS 1.0 tuân thủ chuẩn RDF của Tổ chức chuẩn web quốc tế W3C, được phát hành năm 2000. RSS 2.0 được trường luật Harvard (Mỹ) phát hành năm 2003 dựa trên các bản 0.90 và 0.91 của NetScape. Với RSS, khi một website muốn cho phép các site khác phát hành lại một số nội dung của mình thì họ sẽ tạo ra văn bản dạng RSS và đăng ký văn bản đó với một đơn vị phát hành RSS. Người đọc các nội dung phân phối qua RSS có thể tiếp cận những thông tin đó ở một site khác. Các nội dung được phát hành qua con đường này bao gồm tin vắn, danh mục các sự kiện, toàn bộ bài báo, tiêu đề bài báo, đoạn trích các ý kiến diễn đàn, thông tin doanh nghiệp… |
P.K