Trang chủ » Thiết kế website giá rẻ
1 tỷ USD - không khó!
Mới đây, Bộ BCVT đã tổ chức hội thảo về Dự thảo Chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ công nghiệp CNTT cho biết: 'Nếu có nỗ lực lớn trong thị trường gia công phần mềm thì 1 tỷ USD doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm là con số có thể thực hiện được!'...
- Xin ông cho biết hiện trạng công nghiệp phần mềm Việt Nam hiện nay?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tại, tổng giá trị ngành công nghiệp phần mềm đạt 160 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 35-40%/năm. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 40 triệu USD. Việt Nam đã được xếp vào top 25 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm và dịch vụ. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã lên tới 600 doanh nghiệp, phân bổ chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội. Tổng số nhân lực khoảng 15.000 người với năng suất trung bình khoảng 10.000 USD/người/năm.
Tuy vậy, điểm yếu cần khắc phục trong lĩnh vực này là chưa thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô còn quá nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, yếu về vốn, kinh nghiệm, nhân lực, quản lý, tiếp thị...Thị trường trong nước còn quá nhỏ. Lực lượng lao động phần mềm còn quá nhỏ, và trình độ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Dung lượng đường truyền Internet còn hạn chế. Và vi phạm bản quyền phần mềm ở mức rất cao.
- Như ông vừa nói, tổng giá trị ngành công nghiệp phần mềm đạt 160 triệu USD. Vậy căn cứ vào đâu để có con số này?
- Theo Hội tin học TP HCM đánh giá, tổng giá trị ngành CN phần mềm đạt 160 triệu USD. Chúng tôi tính toán dựa vào phương pháp gián tiếp vì phương pháp thống kê trực tiếp không đảm bảo. Hiện tại, đã có nhiều loại sản phẩm phần mềm, ví như các cơ quan giáo dục, bộ Tài chính cũng làm ra sản phẩm phần mềm để sử dụng nội bộ, không bán ra nhưng những sản phẩm này không được quy đổi nên không thể tính toán ở đây. Chúng tôi tính toán theo năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lấy trên một số doanh nghiệp điển hình dựa theo phương pháp lấy mẫu.
- Theo đánh giá của ông, quá trình phát triển CN phần mềm VN hiện đang ở giai đoạn nào?
- Theo tôi, chúng ta đang bắt đầu chuyển động về phía trước, bắt đầu có những động thái khả quan. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng đã phát triển đáng kể. Khi những doanh nghiệp này đã tạo được sự tin cậy trên thị trường châu Á, việc củng cố quan hệ đặt hàng với đối tác nước ngoài sẽ không khó thực hiện. Đây chính là dấu hiệu lạc quan.
- Mục tiêu phát triển đến năm 2010 trong dự thảo do Bộ BCVT vừa đưa ra là doanh thu toàn ngành đạt 1 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 50% tổng doanh thu. Vậy ông đánh giá thế nào về con số này?
- Nếu có nỗ lực lớn trong thị trường gia công phần mềm thì đây là con số có thể thực hiện được. Để đạt con số cỡ tỷ đối với outsourcing, không phải khó. Nếu có thị trường, việc này không phải khó. Nhưng phải có kế hoạch, nỗ lực lớn. Nếu sau hội thảo này, chúng ta lại để đấy, không tiếp tục xúc tiến công việc gì thì con số này mãi mãi xa vời. Muốn đạt được mức doanh thu 1 tỷ USD phải có thị trường với đội ngũ lập trình viên giỏi.
- Theo ông, để cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, các doanh nghiệp trong nước cần phải tiến hành những công việc gì?
- Lĩnh vực gia công phần mềm hiện nay đã có những bước tiến khiến chúng ta có thể hy vọng, bắt đầu có những doanh nghiệp thành công. Bản thân thị trường gia công phần mềm quá lớn. Đối thủ lớn nhất của ta Trung Quốc, hiện nay, mới làm khoảng 80% thị trường Nhật Bản. Vì vậy, Nhật phải tìm thị trường thay thế và thị trường dự trữ với lý do: giữa người Nhật và TQ không phải lúc nào cũng 'cơm dẻo canh ngọt'. Thời gian qua, phía Nhật cũng đã gợi ý cử tham tán sang Việt Nam bàn trực tiếp với Bộ BCVT để định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nhật. Thông tin từ phía họ cho hay, chỉ cần Việt Nam đạt được 10% trị giá của hợp đồng, chúng ta đã có 300 triệu USD.
- Nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm đang trở thành điểm 'nóng' của bất cứ doanh nghiệp nào vì đang ở tình trạng 'khát nhân lực'. Ông nhận xét thế nào về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực?
- Để phát triển, chúng ta bắt buộc phải xã hội hóa công tác này. Hệ thống đào tạo chính quy đã đào tạo hết công sức. Tôi nghĩ, để đào tạo được như vậy, chúng ta đã có những nỗ lực lớn của Nhà nước và Bộ GDDT. Để tạo ra sự đột phá, chúng ta cần huy động các nguồn vốn khác nhau, xây dựng các trường dân lập, tăng cường hệ thống phi chính quy, đào tạo của các công ty đa quốc gia: Cisco, Aptech, Motorola... Nếu chỉ dựa vào hệ thống đào tạo truyền thống thì sẽ không có chuyển biến đáng kể!
- Trong dự thảo từ nay đến năm 2010, theo ông, lĩnh vực phần mềm chính để VN tập trung phát triển là gì?
- Quan điểm của Bộ BCVT trong thời gian từ 2006-2010, nước ta nên tập trung vào thị trường gia công, không nên áp đặt như trước kia, chúng ta đã định hướng vào phần mềm đóng gói hoặc đặt ra mục tiêu quá cao, mà chưa thực hiện được. Chúng ta nên đặt ra mục tiêu trước mắt. tiếp tục triển khai theo con đường đã đi. Trên cơ sở đó, chọn lọc một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh: có thể làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm phần mềm nhúng, sản phẩm nội dung thông tin số trọng điểm...
- Xin cám ơn ông!
Hoàng Hùng (thực hiện)