Mới đây, có nhiều nạn nhân đã gửi đơn trình báo đến CAQ Hải Châu, Đà Nẵng nhờ giải quyết các vụ việc tương tự và điều này cho thấy nạn lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng và ai cũng có thể sập bẫy nếu không tỉnh táo.
Mua bán hàng hóa qua Internet đang dần trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng chuyện mua bán này cũng đã để lại nhiều bài học đắng cay cho những người mất cảnh giác. Ngày 27/2/2012, anh Nhân (trú P. Phước Ninh, Q. Hải Châu) lên một trang mạng tìm thông tin mua một chiếc ĐTDĐ. Sau vài cú click chuột, anh tìm thấy thông tin có một người bán chiếc Nokia Lumia 920 với giá 7 triệu đồng (bán tại khu vực Q. Hải Châu) và có ghi số điện thoại liên lạc trên tin rao bán. Trên thị trường, chiếc điện thoại này có giá không dưới 12 triệu đồng nên khi đọc được thông tin này, anh Nhân chủ động liên lạc với Tùng (người rao thông tin bán chiếc điện thoại nói trên).
Qua trao đổi, Tùng cho biết mình muốn bán chiếc điện thoại nói trên với giá 6,5 triệu đồng, nhưng hiện đang ở Khánh Hòa nên không thể giao hàng trực tiếp được. Tùng gợi ý cho anh Nhân có thể chuyển trước 3 triệu đồng, khi nào nhận được hàng (điện thoại) thì thanh toán số tiền còn lại cho anh ta. Thấy phương án có vẻ khả thi nên anh Nhân không nghi ngờ gì mà đồng ý ngay. Sau đó anh Nhân ra một ngân hàng trên đường Hùng Vương (TP Đà Nẵng) chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản của Tùng, đồng thời gọi điện báo cho Tùng biết đã chuyển tiền và đề nghị chuyển hàng như đã thỏa thuận. Lúc sau Tùng gọi điện lại báo đã nhận được tiền và đã chuyển hàng cho anh Nhân, cho biết sau 24 giờ đồng hồ anh sẽ nhận được hàng. Vui vì mua được hàng giá rẻ nên anh Nhân yên tâm chờ.
Người phụ nữ nhận 42 triệu đồng đặt cọc 5 chiếc Iphone 5 của chị Vân...
Sáng 29/2, có một thanh niên gọi điện cho anh Nhân, xưng là người chuyển hàng và đã nhận được bưu phẩm của Tùng gửi, đồng thời cũng cho biết phải thanh toán hết số tiền còn lại (3,5 triệu đồng) thì mới nhận được hàng. Thấy nghi ngờ, anh Nhân lại gọi điện cho Tùng thì được trấn an: “Không sao hết, hàng đã về Đà Nẵng, anh cứ thanh toán hết tiền thì sẽ nhận được hàng”. Đến 8 giờ 30 cùng ngày, anh Nhân đến cây ATM trên đường Ngô Quyền, Đà Nẵng chuyển thêm 3,5 triệu đồng vào tài khoản của Tùng và cũng gọi điện thông báo như lần trước rồi nhận được lời hẹn người giao hàng sẽ đến ngay. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy người giao hàng nên anh Nhân gọi điện vào số máy của Tùng thì điện thoại không liên lạc được, còn gọi vào số điện thoại của người giao hàng thì cũng trong tình trạng ò í e. Biết mình bị lừa, anh Nhân làm đơn trình báo CAQ Hải Châu nhờ điều tra, giải quyết vụ việc.
Cũng với thủ đoạn lừa đảo qua mạng, nhưng ngoài việc lừa người khác chuyển tiền vào tài khoản, một số đối tượng khác còn manh động hơn, đến gặp trực tiếp bị hại để nhận tiền rồi sau đó “thẳng cánh cò bay” mà câu chuyện của chị Vân (trú P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu) là một ví dụ. Là người có công việc ổn định, nhưng muốn có thêm thu nhập nên chị Vân nghĩ đến việc buôn bán ĐTDĐ, đặc biệt là dòng điện thoại cao cấp Iphone 5. Chị thường vào một số trang mua bán trên Internet để tìm hiểu thông tin, trong đó có mạng xã hội Facebook (FB).
Cụ thể, ngày 8/11/2012, chị Vân đăng nhập vào FB đọc thông tin, qua đó thấy có một nickname rao bán điện thoại Iphone 5 với giá 19 triệu đồng/chiếc (giá năm 2012-P.V) nên chị Vân ngỏ ý muốn mua 5 chiếc. Phía người bán cho biết, do mua với số lượng nhiều nên sẽ giảm còn 17 triệu đồng/chiếc. Tính đi tính lại thấy mua được khoản hời nên chị Vân đồng ý ngay và đề nghị người bán cho thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền cọc. Tuy nhiên, người bán cho biết là đã bị giật mất túi xách nên không thể ra ngân hàng nhận tiền được, đồng thời tỏ ý gặp để nhận tiền cọc, viết biên lai, giao hàng nhằm tránh thất lạc.
Vài ngày sau đó chị Vân nhận được điện thoại của người bán nói mới từ Hà Nội vào và hẹn ra sân bay Đà Nẵng để giao nhận tiền cọc. Theo hẹn, chị Vân cùng em trai ra sân bay Đà Nẵng gặp người bán hàng. Qua trao đổi, chị Vân thấy thắc mắc vì sao người bán cho biết mất hết giấy tờ mà vẫn làm thủ tục đi máy bay được thì người này giải thích là còn giấy phép lái xe. Chị Vân yêu cầu xem giấy phép thì người này lại bảo rằng đã được anh trai cầm đi làm thủ tục. Rồi cũng chỉ bằng vài chiêu “múa mép”, chị Vân tin tưởng, đưa 42.000.000 đồng để đặt cọc 5 chiếc Iphone 5 và nhận lại một giấy biên nhận đặt cọc kèm theo lời hẹn 3-4 ngày sau chị Vân sẽ nhận được hàng. Tuy nhiên, chị Vân đợi cho đến nay vẫn chưa nhận được 5 chiếc Iphone 5, trong khi đó, nickname trên FB của người bán hàng đã bị xóa, còn điện thoại thì ò í e.
... và biên lai thu tiền (Ảnh do bị hại chụp và cung cấp)
Trên đây chỉ là hai trong số gần chục vụ việc liên quan đến việc lừa đảo qua mạng đang được cơ quan CSĐT CAQ Hải Châu, Đà Nẵng thụ lý điều tra trong thời gian qua. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các đối tượng bán hàng này thường rao bán những hàng hóa có giá trị cao, từ các mặt hàng thông dụng như điện thoại, máy nghe nhạc, đến xe máy, máy vi tính,... với giá rẻ, đánh vào tâm lý của người mua rồi dẫn dắt họ đến việc chuyển tiền, nộp tiền trực tiếp hoặc gián tiếp mà không hề nghi ngờ. Có nhiều người khi phát hiện sự việc và nảy sinh nghi ngờ nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao”, cố chuyển thêm tiền với hy vọng nhận được thứ mình mua nhưng cuối cùng càng mất nhiều tiền hơn.
Trung tá Nguyễn Văn Vinh - Đội trưởng Đội CSĐTTPVTTQLKT&CV CAQ Hải Châu cho biết, trong quá trình điều tra các vụ việc này, CQĐT gặp không ít khó khăn vì những thông tin mà người bị hại cung cấp rất ít, đối tượng lại rất tinh vi, liên tục thay đổi thông tin, hình ảnh, số điện thoại... Vì vậy, khi mua hàng trên mạng, người mua phải chọn những đơn vị bán hàng có uy tín hoặc gặp trực tiếp để xem hàng,... nếu thấy nghi ngờ thì báo cho cơ quan CA để có biện pháp xử lý.
0989 722 522